3 thg 2, 2008




Ngay từ khi xuất hiện, blog đã trở thành một trào lưu trong giới học sinh sinh viên nói riêng và giới internet user nói chung. Ban đầu, blog chỉ được xem là những trang nhật ký mạng, là nơi để giãi bày tâm sự, thăm hỏi bạn bè v.v…Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, khi blog đã trở thành ngôi nhà thứ hai của mỗi công dân mạng, thì nó lại phát triển lên thành một cấp độ cao hơn nhiều. Đó là khi blog trở thành nơi để truyền bá thông tin, kiến thức, để liên kết những người cùng sở thích hay cùng mối quan tâm.

Blog có thể được coi là một trang web đơn giản, dễ sử dụng, có tính liên kết và tương tác cao. Các blogger yêu thích rock sẽ bằng một cách nào đó tìm ra và liên kết được với nhau (mặc dù ngoài đời họ không hề quen biết). Do vậy, thế giới blog là một inter-net chằng chịt các blog được liên kết với nhau bởi chủ đề chính của blog hay các mối liên hệ ngoài đời thực của các blogger. Thuộc tính thứ hai của blog là có tính tương tác rất cao. Chức năng comment cho phép người đọc ghi lại ý kiến của mình về nội dung entry một cách dễ dàng. Đôi khi một entry gây sốc có thể mở ra cả một cuộc hội đàm sôi nổi thu hút hàng trăm người tham gia. Thứ ba, vì blog rất dễ sử dụng nên nó cho phép những người không thông thạo về CNTT cũng có thể xây dựng một trang web cá nhân cho mình. Tính self-governing của blog cho phép rất nhiều người lên tiếng, ai cũng có thể trở thành nhà báo, nhà bình luận (tuy nhiên uy tín đến đâu thì phụ thuộc vào người đọc) mà không chịu sự kiểm duyệt của bất kỳ cơ quan nào. Với blog, quá trình cho và nhận thông tin diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ, rộng khắp và dân chủ chưa từng thấy.

Nhờ các tính chất trên, blog đã trở thành chiếc chìa khoá vàng cho những người mưu cầu tự do dân chủ, và nó đã tạo ra một trào lưu trong đời sống chính trị ở VN. Trào lưu đó, theo tôi, gồm hai nội dung:

Blog, phương tiện liên kết không giới hạn

Blog cho phép những người có chung một mối quan tâm hoặc sở thích quy tụ lại với nhau như những người hàng xóm, tạo thành một mạng lưới chặt chẽ. Mọi trao đổi được thực hiện rất dễ dàng và nhanh chóng. Khi cần thiết, chẳng hạn như khi vận động cho một hoạt động nào đó, các blogger trong cùng một “net” có thể đồng thanh lên tiếng tạo thành một tiếng nói lớn thu hút sự chú ý của những blogger khác. Vì mỗi người đều có nhiều mối quan tâm nên mạng lưới blog rất chằng chịt, nhờ đó thông tin có thể chủ động vươn xa chứ không bị hạn chế như web hay forum.

Blog, những tờ báo độc lập

Với một cái blog, ai cũng có thể đưa tin, bình luận, tuyên bố, phản đối, góp ý, đệ trình… Và như vậy, mỗi blog hoàn toàn có thể (và sự thật là đã) trở thành một toà báo. Trong điều kiện hiện nay, những gì được viết trên những tờ báo quốc doanh khác xa với thực tế thì viết blog là phương thức hiệu quả và dễ dàng nhất để khơi thông dòng thông tin bị tắc nghẽn. Giờ đây, báo chí quốc doanh, mà đằng sau là Chính Quyền, không còn giữ được độc quyền thông tin nữa, và tất cả những chiêu thức vu khống, bịa đặt, cắt gọt thông tin đều bị vạch trần. Một khi tất cả mọi người đã nhận thức được đúng đắn thực tế thì việc thay đổi thực tế đó là rất dễ dàng.

Vậy lại đặt ra một vấn đề, đó là độ tin cậy của các blog - toà báo. Một khi có tự do thông tin, khi ai cũng có thể lên tiếng và kiểm chứng lại thông tin bằng những nguồn khác thì mọi hành vi dối trá đều sẽ sớm bị bóc trần. Cơ chế này không những làm cho mỗi blogger phải có trách nhiệm với những tác phẩm của mình mà còn buộc báo chí truyền thống phải xem lại bộ mặt ghẻ lở của mình nếu không muốn bị dân chúng bỏ rơi.

Với mỗi mẩu tin bạn đọc được hoặc bạn truyền đi, bạn đã góp một phần nhỏ vào công cuộc dân chủ hoá thông tin và mang sự thật đến gần người đọc hơn. Mỗi người hãy là một phóng viên, mỗi trang blog hãy là một toà báo, để độc tài không còn đất sống!!!

Nguồn : XA HOI DAN SU Blog

Những bài liên quan:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét