31 thg 3, 2008

Lính Trung Cộng cải trang thành nhà sư Tây Tạng




Bằng chứng CS, Lính Tung Của hóa trang thành nhà sư Tây Tạng để kích động
333 magnify

Theo thông tin cũa PTI của Ấn Độ thì Đạt La Lạt Ma thứ 14 đã mở cuộc hộp báo tại Ấn Độ ngày 29 tháng 3. Trong cuộc họp báo của vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng thì trong vụ bạo động xảy ra tại Tây Tạng đã có mặt vài trăm quân lính Trung Quốc hóa trang thành nhà sư Tây Tạng. Có lẽ đây là bằng chứng cho thấy Chính Quyền Trung Quốc đã tổ chức cuộc bạo động để đổ lổi cho nhà sư Tây Tạng.

Đạt La Lạt Ma thứ 14 đã nhiều lần muốn đối thoại với chính quyền Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc đã không muốn đàm phán mà còn chỉ trích Đạt La Lạt Ma thứ 14 đã cho người tổ chức bạo động .

Đây là những hình ảnh được công bố. Nhìn hình thì ai cũng có thể hiểu chính quyền Trung Quốc là một tổ chức như thế nào. Những thầy tu "Made in China Communist" này đã từng vào trong chùa, nơi có những vị cao tăng quyền lực của Tây Tạng để giết hại và sau đó bỏ trốn.


Theo:

http://buddhism.kalachakranet.org/chinese-orchestrating-riots-tibet.htm

30 thg 3, 2008

VIỆT NAM ĐỒNG ĐANG Ở ĐÂU VÀ SẼ ĐI VỀ ĐÂU

VIỆT NAM ĐỒNG ĐANG Ở ĐÂU VÀ SẼ ĐI VỀ ĐÂU

Những số liệu được công bố cho biết trong 3 năm từ 2005 đến 2007 tăng trưởng GDP của Việt Nam là 27% (tạo ra thêm khoảng 434 ngàn tỷ đồng giá trị sản phẩm quốc nội) nhưng lượng cung tiền lại tăng tới 135%. Điều này có nghĩa rằng nhà nước đã phát hành thêm một lượng tiền lớn hơn gấp nhiều lần trị giá của cải mà xã hội làm ra được trong 3 năm trên. Nếu lượng tiền đó được lưu thông hết vào thị trường thì sẽ tạo ra khả năng lạm phát lên đến 80% trong quãng thời gian này.

Thế nhưng con số lạm phát danh nghĩa từ 2005 đến 2007 đã được công bố là 27,6% (2005: 8,4%, 2006: 6,6%, 2007: 12,6%), như vậy mức độ lạm phát thêm 52,4% nữa sẽ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào từ đầu năm 2008 trở đi. Nếu loại trừ các yếu tố lạm phát không do tiền tệ (giá đầu vào tăng, kỳ vọng của người dân, v.v..) trong con số 27,6% nêu trên thì mức độ lạm phát tiềm tàng còn cao hơn 52,4% nhiều. Con số này chưa xảy ra vào cuối năm 2007 nghĩa là có trên 600 ngàn tỷ đồng (tương đương 52,4% GDP của năm 2007) đã được phát hành nhưng đang bị ghim giữ bởi một số cá nhân và tổ chức nào đó chưa đẩy cho lưu thông vào thị trường.

Tiền đồng đang ở đâu?

Người dân Việt Nam không có thói quen giữ tiền đồng làm dự trữ an toàn, trong tình hình lạm phát tăng nhanh thì biện pháp này lại càng không được lựa chọn. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thì luôn trong tình trạng cần vốn, phải đi vay. Các ngân hàng thương mại không có lý do gì cầm giữ một lượng tiền đồng lớn mà không cho vay ra để phải gánh chịu lãi suất huy động trừ các khoản dự trữ bắt buộc. Khả năng duy nhất là một lượng lớn tiền đồng đang bị ghim giữ bởi các quỹ đầu cơ (hedge fund) buôn chứng khoán tại Việt Nam.

Cuối năm 2006 đến cuối năm 2007 đô-la Mỹ bị mất giá mạnh trên thị trường thế giới, lãi suất của nó liên tục giảm; trong thời gian đó Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách duy trì tỷ giá tiền đồng thấp; đầu năm 2007 nước ta chính thức gia nhập WTO. Vậy là đã hội đủ các yếu tố cần để tạo thời cơ tuyệt vời cho bầy thú điện tử sừng mềm – cách gọi của Thomas Friedman dành cho các quỹ đầu cơ tài chính trong thời đại toàn cầu hóa – tấn công trục lợi nhanh tại Việt Nam. Các hedge fund mau chóng được thành lập và huy động vốn bằng đô-la Mỹ với lãi suất thấp để đầu cơ vào Việt Nam.

Những tháng cuối 2006 đến 2007 các quỹ này đã rót khoảng 160 ngàn tỷ đồng (tương đương với 10 tỷ đô-la Mỹ) vào thị trường chứng khoán, bơm giá cổ phiếu tăng đến chóng mặt, tạo ra một ma lực cuốn hút người dân đổ tiền vào cổ phiếu. Ước tính đã có hơn 350 ngàn tỷ đồng bị hút vào chứng khoán từ nguồn tự có, vay mượn và thế chấp của người dân. Giá cổ phiếu ít thì tăng vài ba lần, nhiều thì đến vài chục lần, vượt xa hoàn toàn khả năng tạo ra giá trị thực tế của nó.

Khi mọi người đã đạt đến cơn say ghim giữ cổ phiếu bởi giấc mộng làm giàu nhanh thì tai họa ập xuống. Nhưng tai họa không chỉ đến một lần. Mỗi khi các cổ phiếu được đầu cơ bị bán ra ồ ạt để thu lợi, chỉ số chứng khoán sụt giảm thì ngay sau đó sẽ xuất hiện những thông tin hỗ trợ từ chính phủ, từ nước ngoài và được tuyên truyền quá nhiệt tình bởi các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống. Người dân lại được hâm nóng bằng những hy vọng mới, bầy thú tiếp tục nhồi tiền làm mồi nhử, cổ phiếu lại lên giá, dân lại hồ hởi mua vào. Cái vòng xoáy hút – nhồi ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt năm ngoái đến nay. Tiền trong dân tuôn ra ngày càng nhiều, guồng máy hút – nhồi này lại càng tăng công suất, các ngân hàng trong nước càng nhiều nguy cơ.

Kết quả cuối cùng như thế nào thì giờ đây ai cũng thấy, nhưng thật đáng tiếc là chính phủ vẫn không chịu nhìn thấy, vẫn tiếp tục bị thao túng bởi những kẻ cơ hội để ra những quyết sách tiếp tay cho bầy thú điện tử. Tổng công ty SCIC dễ dàng tuôn ra 5 ngàn tỷ đồng để gọi là “cứu” chứng khoán nhưng thực tế là giúp cho những con thú điện tử bán ra những cổ phiếu sắp chết để mua vào những cổ phiếu có tiềm năng thực với giá rẻ mạt, chuẩn bị cho một sự thâu tóm.

Còn nhớ vào đầu năm 2007, khi mà chứng khoán đang trong giai đoạn bị làm giá bởi bầy thú để đầu cơ trục lợi, đã có ý kiến đề nghị SCIC nhanh chóng bán ra số lượng cổ phần của các công ty niêm yết mà tổng công ty này đang nắm giữ để giảm sốt cho thị trường, tăng lượng tiền dự trữ của chính phủ để dự phòng cho người dân đang bị cơn say ma lực. Là một cổ đông lớn nhất trên thị trường, nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của rất nhiều các công ty niêm yết có trị giá vốn hóa đến gần 50 ngàn tỷ đồng vào lúc cao điểm, SCIC hoàn toàn đủ sức làm đối trọng để chống những hành vi lũng đoạn thị trường, làm cho nó phát triển lành mạnh. Nhưng họ đã hoàn toàn bất động, trái hẳn với sự năng động xông vào “cứu” chứng khoán vừa rồi.

Giờ đây, khi mà hàng triệu người đã trở về với “cái máng lợn” thì những con thú điện tử sừng ngắn đã tích lũy được những khoản lời kếch xù, ít thì cũng bằng số vốn bỏ vào, nhiều phải đến một vốn bốn lời. Ngược lại, giá trị tài sản của SCIC đã bốc hơi đến vài chục ngàn tỷ đồng, thế nhưng họ vẫn đang tiếp tục “ôm” vào những cổ phiếu sắp chết. Hiện nay các chỉ số chứng khoán đã lùi về thấp hơn mức trước khi bầy thú tham gia vào thị trường, điều này đồng nghĩa với mấy trăm ngàn tỷ đồng không tự mất đi mà chỉ được dịch chuyển từ túi người dân và túi nhà nước vào túi bầy thú.

Các quỹ đầu cơ này đang kiểm soát một lượng tiền đồng khoảng 500 ngàn tỷ và được giữ tại các ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam trong khi mức dự trữ trong dân đang dần cạn kiệt. Và đây chỉ mới là khúc dạo đầu của một kế hoạch. Sau giai đoạn chứng khoán bị làm giá rồi rơi tự do, sẽ đến giai đoạn tiền đồng bị làm giá. Đồng tiền quốc gia của 86 triệu dân đã bắt đầu bị lũng đoạn.

Tiền đồng đi về đâu?

Để hỗ trợ cho đầu tư nước ngoài tăng vọt trong năm 2007, ngân hàng Nhà nước đã được lệnh phát hành thêm tiền đồng vượt mức an toàn để mua đô-la Mỹ. Lý thuyết này sẽ khả thi nếu như nền kinh tế trong nước hấp thụ được lượng vốn ngoại đưa vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh làm ra thêm của cải cho xã hội, dòng vốn được lưu thông thì ngân hàng Nhà nước dễ dàng hút tiền đồng về nhanh chóng để tránh lạm phát. Nhưng sẽ thật là mạo hiểm và vô trách nhiệm khi những nhà quản lý vĩ mô không nhìn ra và tiên liệu những tình huống ngược lại như thực tế đã diễn ra.

Áp dụng cách thức này trong lúc các điều kiện cần để tạo ra thời cơ tuyệt vời cho bầy thú điện tử đầu cơ đã hội tụ, chính là đưa đến điều kiện đủ cho một cuộc tấn công lũng đoạn có thể bắt đầu. Có nhiều chỉ trích rằng ngân hàng Nhà nước đã không tích cực hút tiền về nên làm lạm phát mạnh, nhưng cần hiểu là không thể thực hiện được điều đó khi mà chính ngân hàng Nhà nước đã tự đặt mình vào bẫy, để quyền điều tiết tiền đồng cho bầy thú kiểm soát.

Luồng vốn đầu tư gián tiếp tập kích ồ ạt vào chứng khoán nhưng hầu như chẳng được đưa vào đầu tư thực sự, nó chạy lòng vòng từ người này qua người khác theo cái vòng xoáy hút – nhồi để cuối cùng quay trở lại túi của bầy thú với trị giá được nhân lên nhiều lần. Các doanh nghiệp niêm yết huy động vốn xong lại tiếp tục đổ vào chứng khoán, chẳng có bao nhiêu tiền từ nguồn này được đưa vào đầu tư mở rộng kinh doanh tạo thêm sản phẩm cho xã hội.

Rất nhiều các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết vô trách nhiệm còn tiếp tay cho bầy thú điện tử lừa cổ đông để cùng hưởng lợi. Một tỷ lệ nhỏ tiền văng khỏi vòng xoáy của bầy thú, vào túi những kẻ tiếp tay. Số vốn này cuối cùng được đầu cơ vào bất động sản hoặc được cất giữ an toàn tại ngân hàng nước ngoài. Còn luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2007 chỉ thực hiện được một phần tư so với đăng ký do những rào cản hành chính, yếu kém hạ tầng và thiếu thốn nguồn nhân lực được đào tạo. Triển khai đầu tư chậm, dòng vốn lưu thông ì ạch thì tiền đâu mà ngân hàng Nhà nước hút vào.

An sinh của gần 86 triệu dân hiện nay đang phụ thuộc hoàn toàn vào sự rộng lượng của “những con sói”. Nếu vài trăm ngàn tỷ đồng đang bị ghim giữ được tung ra đổi thành đô-la Mỹ thì lạm phát sẽ đẩy người dân đến thảm họa. Lượng đô-la này nếu bị đảo chiều – chuyển ra khỏi Việt Nam – thì toàn bộ dự trữ ngoại hối của quốc gia sẽ bốc hơi trong tích tắc nhưng cũng chỉ là muối bỏ bể trước sự thâm hụt cán cân thanh toán và thương mại quốc tế trầm trọng. Một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất không thua gì vụ giá–lương–tiền hồi giữa thập niên 80 của thế kỷ trước sẽ nổ ra ngay sau đó. Tiền đồng – VND sẽ mất giá và rơi tự do.

Ngay đầu năm 2008, rất nhiều các chuyên gia và tổ chức nước ngoài đệ trình lên chính phủ các giải pháp nâng giá tiền đồng so với đô-la Mỹ, thắt chặt tiền tệ, gia tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các giải pháp này lẽ ra đã phải được khuyến nghị để thực hiện từ giữa 2006 nhằm chống nguy cơ tấn công của bầy thú điện tử trước khi gia nhập WTO, giảm tăng trưởng ảo của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát để kéo dần lãi suất ngân hàng xuống nhằm thúc đẩy đầu tư cho sản xuất kinh doanh thực thụ, nhờ đó nền kinh tế sẽ được tăng trưởng dần theo hướng có chất lượng bền vững.

Thật tiếc rằng các giải pháp vĩ mô trong 2006 – 2007 đi theo hướng hoàn toàn ngược lại, các nguy cơ không những không được tháo gỡ mà còn bị làm cho trầm trọng hơn. Chiến lược tăng trưởng nhờ thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng xuất khẩu đã ngăn cản việc nâng giá tiền đồng hợp lý nhằm gia tăng sức mua và nhu cầu nội địa – tức là gia tăng mức sống của người dân, một yếu tố quan trọng để tăng trưởng bền vững.

Việc duy trì tiền đồng yếu trong lúc đô-la Mỹ mất giá trung bình khoảng 20% so với các ngoại tệ khác trên thế giới chỉ tạo ra những sức hút ngắn hạn cho các nhà đầu tư nước ngoài khai thác lợi thế giá rẻ nhờ bảo hộ tỷ giá của nhà nước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh nhưng đa số là nhập khẩu nhanh những công nghệ lạc hậu vào Việt Nam rồi khai thác nhân công giá rẻ, nguyên liệu rẻ để sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng lợi lớn, lợi kép nhờ tỷ giá. Những khoản lợi nhuận này được để bên ngoài Việt Nam bằng cách khai tăng giá nhập thiết bị và vật tư phục vụ xuất khẩu (thuế suất nhập khẩu bằng 0 hoặc rất thấp). Giá trị còn lại trong nước chỉ là tiền công và nguyên liệu rẻ mạt, đi kèm với môi trường bị hủy hoại do công nghệ lạc hậu, và sự suy yếu sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Đã có những cảnh báo về các nguy cơ rối loạn kinh tế lẫn xã hội nếu luồng vốn ngoại không cân đối làm suy yếu nội lực trong nước. Nhưng sự tuyên truyền ầm vang không mệt mỏi của các phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi sự tăng trưởng ngoạn mục của đầu tư nước ngoài, tô hồng viễn cảnh sáng sủa của nền kinh tế đã át hẳn những tiếng nói có trách nhiệm. Dân chúng tránh sao được sự ảo tưởng và rơi vào vòng xoáy ma lực. Nhiều đề xuất, khuyến nghị chính phủ cần xem xét lại chính sách thúc đẩy xuất khẩu kiểu này nhưng kết luận cuối cùng là càng phải tăng mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu.

Nhưng sự thật trớ trêu là càng xuất khẩu kiểu đó thì nhập siêu càng lớn. Lý do là sức mua của toàn dân sụt giảm nghiêm trọng do tỷ giá tiền đồng thấp hơn thực tế, mà nhu cầu thì ngày càng tăng lên. Trong khi đó lại hoàn toàn thiếu vắng các chính sách hỗ trợ cho việc đáp ứng các nhu cầu nội địa, biểu thuế suất nhập khẩu hàng ngàn mặt hàng (đặc biệt là nông sản) giảm xuống do gia nhập WTO. Lượng nhập khẩu tăng lên là đương nhiên để đáp ứng các nhu cầu trong nước. Giá nhập khẩu cũng phải tăng mạnh do 2 tác động kép của tỷ giá tiền đồng thấp và giá cả thế giới tăng.

Nhập siêu 2007 phi mã đến 12,5 tỷ đô-la Mỹ (hơn 2,5 lần mức 2006) là vẫn còn may mắn. Nếu dầu thô thế giới không tăng giá để mang thêm về cho Việt Nam gần 2,5 tỷ đô-la Mỹ (40 ngàn tỷ đồng) từ xuất khẩu trong 2007 thì tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Thế nhưng người dân đã không được hưởng gì từ khoản thặng dư của tài nguyên quốc gia này sau khi chính phủ quyết định cắt bỏ 10 ngàn tỷ đồng bù giá xăng dầu trong nước. Sức mua của người dân bị ép giảm sút nặng nề để tăng lợi thế cho đầu tư nước ngoài và xuất khẩu mà ở đó chỉ một nhóm nhỏ các nhà xuất khẩu, chủ yếu từ nước ngoài hưởng lợi.

Giờ đây khi mà tiền đồng đã mất giá thực sự do lạm phát tiền và nội lực trong nước suy kiệt thì các giải pháp nâng giá tiền đồng lại được thực hiện. Lại một cái bẫy. Quyền lợi lại thuộc về nước ngoài. Đầu tháng 3/2008 ngân hàng Nhà nước mới yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc lên thêm 1% (tương đương khoảng 10 ngàn tỷ đồng) và phát hành tín phiếu bắt buộc trị giá 20,3 ngàn tỷ đồng; chỉ hút hơn 30 ngàn tỷ đồng mà đã làm cả hệ thống tài chính ngân hàng điêu đứng, náo loạn đua nâng lãi suất để động viên người dân chuyển đổi ngoại tệ thành tiền đồng gửi vào ngân hàng. Tiền đồng trở nên khan hiếm, đô-la Mỹ bị mất giá.

Người dân lại bị cuốn hút vào một cuộc chơi mới của bầy thú điện tử. Các quỹ đầu cơ này đang cần đổi tiền đồng sang đô-la Mỹ, một tỷ giá đô-la Mỹ thấp sẽ rất có lợi cho họ. Tiền đồng bị siết chặt, biên độ tỷ giá đô-la Mỹ được nới lỏng. Đô-la Mỹ rơi xuống gần 15,5 ngàn đồng/USD nhưng bán cũng không ai mua. Trong tuần thứ ba của tháng 3/2008 này bầy thú điện tử đã tung hơn 30 ngàn tỷ đồng để mua vào khoảng 2 tỷ đô-la Mỹ. Ngay lập tức lạm phát gia tăng thêm 3%, đạt mức kỷ lục 9.2% trong chưa đầy 3 tháng đầu năm 2008. Cùng lúc, các ngân hàng chuẩn bị giảm lãi suất huy động.

Cái vòng xoáy hút – nhồi, tăng lên – giảm xuống sẽ được lặp lại nhiều lần như chứng khoán, đến khi mà bầy thú đã nắm trong tay một lượng lớn đô-la Mỹ thì sức mua của tiền đồng sẽ rơi tự do không phanh. Chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ tăng thêm cỡ 50% nữa, con số này chưa bao gồm những tác động của việc tăng giá đầu vào và sự mất niềm tin của dân chúng. Yếu tố niềm tin này có thể dẫn đến sự sụp đổ không ai có thể lường hết được, nó sẽ vượt quá nhiều lần mọi tính toán kỹ thuật nếu như người dân nhận ra mình đã bị lừa.

Thâu tóm và thôn tính

Nhưng mục tiêu của bầy thú không chỉ đơn giản như vậy. Bây giờ có lẽ chính phủ đã nhận ra được những nguy cơ của lạm phát sẽ tác động khủng khiếp thế nào đến sự bất ổn xã hội. Nếu không muốn cuộc khủng hoảng này bùng nổ ngay trong năm 2008, chính phủ phải thương lượng mua lại khoản tiền đồng khổng lồ của bầy thú. Quá trình thâu tóm đang bắt đầu.

Nhưng tiền đâu để mua khi mà dự trữ ngoại hối của quốc gia quá yếu ớt. Ngay cả có huy động được mọi nguồn lực để có đủ số tiền này thì bầy thú sẽ nói họ không cần đô-la Mỹ vì họ có thể mua nó dễ dàng từ thị trường. Họ muốn quyền kiểm soát các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là những tập đoàn được hưởng đặc quyền và đầy lợi thế của nhà nước. Các doanh nghiệp này đã được bảo hộ chặt chẽ trong các điều khoản gia nhập WTO để không chịu sức ép cạnh tranh lớn khi hội nhập. Nhưng giờ đây chúng sẽ được trao quyền kiểm soát chi phối bằng sở hữu đa số thông qua các hiệp định song phương đang được đàm phán vội vã.

Dân chúng đừng vội mừng vì hy vọng vào sự tốt lên của các doanh nghiệp này sau khi có bàn tay của nước ngoài. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy trong một đất nước mà thiếu vắng các chiến lược để tạo ra lợi thế quốc gia trong một hệ thống toàn cầu hóa, và nguồn nhân lực thì thiếu kỹ năng được đào tạo đúng mức, cộng với tham nhũng chi phối các chính sách nhà nước thì bầy thú điện tử sẽ chỉ dùng các doanh nghiệp khổng lồ trong nước được bảo hộ để khai thác thị trường nội địa, buộc người dân phải trả giá cao để có siêu lợi nhuận. Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô (VAMA) vừa vận động nâng thuế nhập khẩu xe hơi để “chống nhập siêu” là một minh chứng cụ thể cho việc đó.

Áp lực đang được gia tăng lên rất mạnh để các điều khoản đảm bảo cho việc thâu tóm dễ dàng đạt được. Bầy thú đang nhả tiếp tiền đồng ra đổi lấy đô-la Mỹ khiến nó lên giá, lạm phát tiếp tục tăng vọt. Trong tình hình này có lẽ những điều kiện cần để thâu tóm sẽ phải hoàn tất trong vòng trên dưới 2 tháng nữa. Từ nay đến đó chứng khoán sẽ tiếp tục hoành hành để gây rối và gia tăng áp lực đàm phán. Đến khi mọi việc được ký kết thì tới lượt bất động sản sẽ được thổi bùng lên, giá trị thật giá trị ảo sẽ lại điên loạn lên một lần nữa – một cuộc chơi mới theo bài cũ. Nó sẽ tạo ra bất ổn đến cuối năm, không chỉ để trục lợi mà còn nhằm lũng đoạn dễ dàng các chính sách vĩ mô để phục vụ cho những kế hoạch tiếp theo.

Nhà nước nếu không cẩn thận thì sẽ bị những kẻ cơ hội tiếp tục thao túng để bơm ra lượng tiền đồng khổng lồ đã thu hồi về nhờ bán rẻ tài sản toàn dân. Trong lúc rối ren, thật giả lẫn lộn thì không khó gì để viện ra những lý do nghe xuôi tai để làm được việc ấy. Lúc đó sẽ không còn gì có thể cứu vãn được nữa. Đó chính là sự kết thúc.

Nhưng đấy cũng là khởi đầu của sự thôn tính.

Cộng sinh trong toàn cầu

Đất nước ta đang thực sự rất nguy kịch, tiến thoái lưỡng nan mà chỉ có sức mạnh của toàn dân mới có thể giúp vượt qua được. Người dân cần được chia sẻ những thông tin thật để lường trước những khó khăn xấu nhất. Người dân cần được tạo niềm tin từ sự chân thật để cùng nhà nước tìm ra những biện pháp thoát hiểm. Từ trước đến nay dân chúng bị cuốn hút vào những cuộc chơi mà mình không những không có được thông tin đầy đủ mà còn bị làm sai lệch.

Trong khi đó bầy thú thì không thiếu bất kỳ thông tin gì nhờ lấy được từ các định chế tài chính quốc tế như ngân hàng Thế giới (WB), quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chính phủ phải cung cấp định kỳ cho họ. Thông tin quốc gia là một loại tài nguyên quốc gia quan trọng hàng đầu, nó càng quan trọng hơn trong thời đại ngày nay. Sự thất bại thuộc phía người dân là tất yếu.

Kinh tế học không phải là môn khoa học tự nhiên như toán học, vật lý. Nó là một khoa học dựa vào hành vi con người và hướng đến con người dù rằng nó dùng các công cụ toán học để mô phỏng và phân tích. Các tính toán lý thuyết kinh tế sẽ không có giá trị gì nếu không gắn nó với việc hiểu ứng xử và động lực của con người.

Không thể điều hành vĩ mô một nền kinh tế thị trường thành công bằng bàn tay hữu hình của chính phủ, vì kinh tế thị trường vốn được vận hành theo qui luật của bàn tay vô hình – cách mà các nhà kinh tế học gọi tên một cơ chế thúc đẩy sự vận động kinh tế thông qua việc tác động vào động lực con người. Thật tiếc là các thế lực bên ngoài đã áp dụng cách này thật nhuần nhuyễn ở Việt Nam.

Chỉ khi nào những người cầm cân nẩy mực hiểu được dân, biết được điểm mạnh của dân, nhìn được điểm yếu của dân, cảm được nỗi đau của dân, hạnh phúc vì niềm vui của dân thì mới có thể xây dựng được những chính sách hợp lòng dân. Còn không thì cho dù là lý thuyết nào đi nữa, được ủng hộ bởi những tổ chức danh giá đến đâu đi nữa, dựa vào mô hình thực tế thành công của thể chế nào đi nữa cũng không thể tránh khỏi sự thất bại.

Trong một đất nước mà sự phát triển dân chủ còn rất nhiều hạn chế, nhà nước ở đó phải thương dân như con thì mới có thể xây dựng một nền kinh tế mạnh, xã hội vững chắc. Đầy tớ mà có trách nhiệm thì thật là hiếm hoi, mà dù có trách nhiệm thế nào thì cũng không bao giờ có tình thương với chủ.

Cái giá của một nền kinh tế trọng ngoại như nước ta sẽ còn những tác hại rất lâu dài. Sẽ không có một thần dược ngoại nào có thể chữa ngay khỏi bệnh. Chỉ có niềm tin của dân, sức mạnh tập hợp của toàn dân trong lẫn ngoài nước mới có thể tạo ra một nội lực đủ sức đề kháng với sự tấn công tiêu cực của ngoại lực, rồi tiến tới trung hòa cộng sinh với nó. Lúc đó đất nước mới có thể phát triển vững bền.

Chỉ khi nào nền kinh tế đất nước hội nhập một cách cộng sinh với hệ thống toàn cầu hóa thì lúc đó mới có thể tránh khỏi những cuộc tấn công như vậy. Người ta không thể đánh vào chính mình. Thật buồn là chúng ta đã tự làm như thế. Hội nhập mà không tạo ra những lợi thế tương hỗ, ràng buộc trong một guồng vận hành khốc liệt của toàn cầu hóa thì không khác gì tự biến mình thành một cái hố hứng rác thải của cái cỗ máy ấy mà thôi.

Tham nhũng và sụp đổ

Hơn lúc nào hết, chính phủ phải nhìn thẳng vào sự thật cho dù nó khắc nghiệt đến mức nào. Khủng hoảng toàn diện một cách trầm trọng là không thể tránh khỏi. Tránh né sự thật, trì kéo mua thời gian bằng cách vay mượn tương lai để tạm qua năm tháng hiện tại sẽ chỉ làm cho nó trầm trọng hơn mà thôi. Sự khốn cùng của dân chúng sẽ càng tồi tệ. Nền kinh tế nước ta từ nhiều năm nay đã tăng trưởng theo kiểu vay mượn tương lai cho thành tích hiện tại. Cuộc khủng hoảng này sẽ là một điểm dừng phải có để chấm dứt cái hệ thống vận hành sai qui luật này.

Trái qui luật nhưng nó vẫn tồn tại một thời gian khá dài chính là nhờ tham nhũng. Tham nhũng tạo ra động lực và bị biến thành công cụ cho một nhóm nhỏ những người cầm quyền và bầy thú điện tử. Quyền tạo ra tiền, tiền biến thành quyền, quyền cần có thành tích để củng cố. Thành tích không thể thật vì tham nhũng nhưng phải được tuyên truyền và thổi phồng làm người dân ảo tưởng, chấp nhận chịu đựng vì hy vọng vào những tương lai tốt đẹp mà chính quyền hứa hẹn. Nhưng niềm tin không thể được xây dựng trên những gì giả tạo. Trong sấm Trạng Trình có câu:

Phú quí hồng trần mộng

Bần cùng bạch phát sinh

Thật đúng với thời cuộc. Sự giàu có (phú quí) ở những nơi đô thị (hồng trần) chỉ là ảo (mộng). Đến khi dân chúng rơi vào nghèo khổ cùng cực (bần cùng) thì sự thật (bạch) sẽ phơi bày (phát sinh). Sự sụp đổ niềm tin có sức tàn phá khủng khiếp. Nếu nó không được dẫn dắt bằng lòng nhân ái và quyền lợi dân tộc thì sức mạnh đó sẽ bị lợi dụng cho mục tiêu chính trị ngược lại.

Nên nhớ rằng cuộc khủng hoảng đang xảy ra nhanh chóng vì đã có một sự phá vỡ cái thế cân bằng ảo. Đất nước không được xây dựng để cộng sinh trong hệ thống toàn cầu hóa, nhưng lại hình thành sự cộng sinh giữa những kẻ tham nhũng, cơ hội trong chính quyền với bầy thú điện tử để chi phối các hoạt động xuyên suốt của đất nước mà nhiều người lầm tưởng là sự ổn định. Nhưng giờ đây bầy thú không thể bỏ qua thời cơ tuyệt vời để có nhiều quyền lợi hơn và đứng lên trên cái hệ thống cộng sinh đó. Sự cân bằng bị phá vỡ vì thế.

Sức dân và mệnh nước

Toàn dân cần được chuẩn bị để đối phó với cuộc khủng hoảng mà đỉnh điểm của nó sẽ rơi vào năm sau – Kỷ Sửu 2009. Tất cả những gì nhà nước cần tập trung lúc này là HẬU SỨC DÂN. Làm sao phải gia tăng sức mạnh vật chất lẫn tinh thần cho dân đủ sức chịu đựng khó khăn để vượt qua và xoay chuyển tình thế. Bổ sung sức mạnh vật chất là cần thiết nhưng trong điều kiện hiện nay thì không thể đủ mạnh. Chỉ có sức mạnh của niềm tin và sự đồng lòng mới có thể tạo ra vận thế mới.

Chính phủ đang kêu gọi dân chúng thắt lưng buộc bụng và đề ra các giải pháp “chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô” như vừa rồi thì không thể hậu sức dân. Chỉ đơn cử việc giảm đầu tư công. Các bộ ngành, địa phương đang bàn về cắt giảm ngân sách đầu tư bằng việc cắt bớt các dự án. Giảm đầu tư trong nước tức là giảm nội lực. Cấu trúc hiện nay của nền kinh tế đang phụ thuộc rất lớn vào đầu tư công vì nó chiếm đến 40% tổng đầu tư quốc gia. Trong khi mà chưa có những cơ chế, chính sách để cho phép và hỗ trợ khu vực dân doanh đầu tư thay thế nhà nước thì việc rút giảm đầu tư công sẽ tạo ra một khoảng trống cực kỳ tai hại.

Toàn dân vẫn cần những đầu tư ấy để tạo ra hạ tầng, công ăn việc làm – những thứ mà Việt Nam còn thiếu thốn nhiều một thời gian dài nữa. Việc chính phủ cần làm là đảm bảo hiệu quả đầu tư công, hay nói theo kinh tế học là giảm chỉ số ICOR xuống. Thống kê chỉ số này của nhà nước cho thấy ICOR của đầu tư công là 8 (tức đầu tư đến 8 đồng mới làm ra thêm 1 đồng tăng trưởng). Đầu năm 2007, một thành viên của chính phủ trả lời trước công chúng giải thích rằng chỉ số này cao vì năng suất lao động của đất nước còn thấp.

Nhưng không thấy có ai hỏi tiếp rằng tại sao cùng với những người lao động Việt Nam mà khu vực dân doanh, dù trình độ quản lý cũng chưa hiện đại nhưng chỉ số này chỉ có 4 (chỉ cần 4 đồng đầu tư sẽ tạo ra 1 đồng tăng trưởng), của khu vực nước ngoài là 2.7. Không hỏi vì ai cũng biết rằng hiệu quả đầu tư công thấp là do tham nhũng.

Chỉ cần làm được như khu vực dân doanh thì cùng một dự án đầu tư nhà nước có thể giảm được một nửa số vốn bỏ ra mà dân chúng vẫn được hưởng thành quả không đổi. Một nửa ấy từ trước đến nay do tham nhũng mà thất thoát. Theo kế hoạch 5 năm từ 2006 – 2010, mỗi năm đầu tư công lên đến 270 ngàn tỷ đồng, một nửa số tiền đó mà tiết kiệm được và dùng để hậu sức dân thì thật là có ý nghĩa. Còn nếu cắt giảm theo kiểu số lượng thì chỉ gia tăng sức mạnh cho những kẻ tham nhũng, cơ hội. Lạm phát sẽ càng tăng dù trị giá đầu tư có giảm. Hiện nay đã bắt đầu xuất hiện tình trạng chạy để được giữ lại các dự án. “Mạnh vì gạo”, ai chi nhiều hơn thì sẽ được tiếp tục đầu tư, tỷ lệ thất thoát sẽ càng gia tăng, chất lượng đầu tư càng giảm, lạm phát càng tăng là vì thế. Dân sẽ vẫn lãnh đủ.

Giải pháp hiệu quả nhất hiện nay thật đơn giản mà không đơn giản: triệt tiêu tham nhũng. Làm được việc này thì sẽ gia tăng nguồn lực cho dân, củng cố niềm tin của dân. Chính là hậu sức dân. Nhưng điều này thật quá khó cho chính quyền hiện nay khi mà luật pháp trong nước bị bóp méo bởi những kẻ tham nhũng – cơ hội, và những định chế quốc tế bị chi phối bởi bầy thú điện tử. Một kẻ như Bùi Tiến Dũng lại được ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam khẳng định là không có dấu hiệu tham nhũng để rộng đường cho một phiên tòa chỉ xử tội đánh bạc. Nguyễn Việt Tiến cũng vừa được thả ra và phục hồi quyền lợi mà không qua xét xử. Cái hệ thống cộng sinh này là như thế đấy.

Chính phủ thực hiện các giải pháp vĩ mô như hiện nay sẽ tiếp tục hậu ngoại lực, ép nội lực dù vô tình hay hữu ý. Càng nhiều bàn tay hữu hình thò ra thì càng dễ bị giật dây điều khiển. Chưa hết tháng 3/2008 mà nhập siêu đã phi đến 7 tỷ đô-la Mỹ, bằng 56% của cả năm 2007, vượt xa con số 4,8 tỷ của 2006. Ấy vậy mà nhận định mới nhất của chính phủ trước thường vụ Quốc hội là vẫn tin tưởng cân đối được cán cân thanh toán quốc tế do Việt Nam vẫn đang là điểm sáng của thu hút đầu tư nước ngoài.

Sao vẫn tiếp tục trông chờ vào ngoại lực mà không nhìn nhận thực tế là đất nước này đang còn cầm cự được phần nào trước sự thâm hụt mậu dịch lâu nay là nhờ vào kiều hối 2 tỷ đô-la Mỹ của gần nửa triệu lao động Việt đang phải chịu cực khổ, tủi nhục, cả bỏ mạng ở nước ngoài, 5 tỷ đô-la Mỹ của hơn 3 triệu đồng bào Việt định cư ngoài nước gửi về hàng năm mà không kèm bất kỳ điều kiện và đòi hỏi nào; nhờ vào tiền công lao động rẻ mạt của hàng triệu lao động nghèo trong nước còn giữ lại được từ xuất khẩu; và của hàng chục triệu nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời làm ra những nông sản để xuất khẩu. Không hề thấy chính phủ phân tích và đề cập đến việc chăm sóc các nguồn lực này như thế nào trong các giải pháp hiện nay và trước đây.

Những người lao động nghèo này chính là lực lượng tiên phong phải đương đầu trước tiên với cạnh tranh toàn cầu, ngay khi Việt Nam gia nhập WTO trong khi chưa hề được chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Họ chẳng hiểu toàn cầu hóa là gì nhưng các cam kết để gia nhập WTO đã dỡ bỏ ngay lập tức trợ cấp xuất khẩu nông sản và hàng dệt may; giảm ngay xuống mức thấp thuế suất nhập khẩu các mặt hàng nông sản, may mặc.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước đang kiểm soát hoàn toàn các ngành dịch vụ tài chính – ngân hàng, bưu chính – viễn thông, năng lượng – dầu khí được nuôi dưỡng và hưởng đặc quyền lâu nay, nắm giữ những nguồn lực lớn nhất của quốc gia thì vẫn tiếp tục được bảo hộ theo lộ trình từng bước 3 năm, 5 năm sau khi gia nhập WTO. Tiềm năng phát triển rất lớn của thị trường nội địa trong các lĩnh vực này, thay vì phải được dùng làm hậu phương vững chắc để tiến công ra thị trường toàn cầu, làm lực lượng tiên phong bước ra cạnh tranh để giảm áp lực cho những nông dân, công nhân may mặc cần thời gian để hiểu và chuẩn bị cho hội nhập, thì lại được quây rào để dành cho bầy thú điện tử thâu tóm.

Chuyện này khác gì trong một cuộc chiến, những người dân đen cùng đinh bị đưa ra trước để làm bia đỡ đạn trong khi quân chủ lực vẫn đang còn say sưa chè chén. Đến khi giặc vào tới thì hèn nhát, không phải là bỏ chạy mà là đầu hàng bán rẻ đồng đội. Thế nhưng những kết quả đạt được trong đàm phán WTO được ca ngợi là thành công, là ngoạn mục. Có thể dễ dàng đọc được trên các website của các bộ ngành để nghe họ khen tặng, tâng bốc về cái thành quả này như thế nào.

Hội nhập toàn cầu là một quá trình phải được bắt đầu một cách chủ động từ trước khi ký kết hiệp định quốc tế. Sự thụ động và chạy theo thành tích thì tránh sao khỏi rơi vào những cái bẫy đàm phán. Người ta không cần nhưng vẫn khăng khẳng đòi mở cửa xuất bản ngay. Còn ta thì châm châm bảo vệ sự kiểm soát nó tuyệt đối bằng mọi giá mà không hiểu rằng internet đã thay đổi mọi thứ. Nếu anh muốn giữ chặt cái này thì anh phải nhả cho tôi ngay cái khác: hoặc là nông sản và dệt may; hoặc là các dịch vụ tài chính – ngân hàng, bưu chính – viễn thông, năng lượng – dầu khí. Họ muốn ta nhả cái thứ nhất để tạo bất ổn xã hội, mục tiêu lớn như vậy mà chẳng phải vất vả gì để đạt được. Họ thừa biết các nhóm lợi ích trong các lĩnh vực dịch vụ này dư sức chi phối các quyết định đàm phán cuối cùng.

Đừng nghĩ là chính quyền kiểm soát báo chí, tuyên truyền mà dân chúng không đủ hiểu biết để nhìn ra những vấn đề quá lớn mà các chính sách vĩ mô đã tạo ra cho họ. Người dân thậm chí còn bảo rằng chẳng phải nhà nước mắc bẫy, chẳng qua vì quyền lợi cá nhân mà nhà nước đưa dân vào hoàn cảnh như ngày hôm nay. Luật thuế thu nhập cá nhân sắp có hiệu lực từ đầu năm sau sẽ là một giọt nước tràn ly đối với lòng dân.

So sánh chiến lược về lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia thì bộ luật này, với mức khởi đầu là 5% cho thu nhập 4 triệu đồng/tháng và 35% cho phần thu nhập từ 80 triệu đồng/tháng trở lên, đã đặt Việt Nam vào một quốc gia có tương lai dựa trên lao động giá rẻ thiếu kỹ năng, chứ không phải một nơi nuôi dưỡng chăm sóc cho con người có đủ tri thức để làm nền tảng phát triển vững chắc của đất nước. Chắc chắn rất nhiều nước đã vỗ tay vui mừng bộ luật này. Lại mắc bẫy hay do thiếu hiểu biết, người dân tự sẽ nhận ra và phán xét.

Không củng cố niềm tin thì hậu quả thật khó lường hết bằng các con số. Các tính toán kỹ thuật cho thấy khả năng tiền đồng sẽ nhanh chóng chỉ còn hơn 20 ngàn/USD. Nhưng một khi người dân không còn niềm tin gì vào nhà nước thì con số này có thể là 30 ngàn, 40 ngàn hay cao tới mức mà không ai có thể dự báo nỗi. Nó cũng không khác gì việc đáy chứng khoán được dự báo không biết bao nhiêu lần. Mức trên dưới 500 điểm như hiện nay vẫn chưa phải là đáy. Còn xa mới tới đáy vì bầy thú không chỉ muốn thâu tóm, mà là thâu tóm rất rẻ để dồn tiền cho sự thôn tính chính trị.

Vận nước đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Đây là một biến cố lớn sẽ chắc chắn tạo ra sự xoay chuyển. Con tạo xoay vần, nhưng xoay về đâu, đó là trách nhiệm của tầng lớp trí thức của đất nước. Những con Lạc cháu Hồng ưu tú sẽ tập hợp lại tạo nên sức mạnh của cả dân tộc thuộc mọi tầng lớp để hóa giải thế cờ, xoay chuyển biến cố thành một vận hội mới.

Có một Con đường như vậy.

“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Trong họa có phúc.

Trần Đông Chấn

Mùa xuân tháng 3, 2008.

Thế Vận Hội Trong Kẽm Gai




NGUYỄN XUÂN NGHĨA

Tắt đèn bịt mũi chạy đua trongThế vận Bắc Kinh...

Năm xưa, khi Tổng thống George W. Bush tuyên bố rằng Hoa Kỳ sát cánh với những người đấu tranh cho dân chủ, rồi xuất hiện tại Việt Nam dưới bức tượng của Hồ Chí Minh, người ta có thể nghi ngờ về khả năng của ban tham mưu đối ngoại của ông.

Sau khi dự thánh lễ tại Hà Nội, ông Bush phải đứng trước thềm của nhà thờ Cửa Bắc mới nhỏ nhẹ tuyên bố rằng Việt Nam cần có tự do tôn giáo! Người ta cho rằng ông không dám làm cách mạng mà chỉ là một chính khách. Và hạng tồi! Việc gì mà phải đến như vậy!

Năm ngoái, tại Thượng đỉnh Sydney của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Thái bình dương APEC, khi ông Buh cho biết rằng mình sẽ tham dự lễ khai mạc của Thế vận hội Bắc Kinh, người ta hết nghi ngờ về khả năng của ban tham mưu đối ngoại của ông. Và kết luận rằng Hoa Kỳ không xứng đáng lãnh đạo thế giới, một kết luận đáng buồn.

Ngày 10 tháng Ba vừa qua, khi cuộc khủng hoảng Tây Tạng bùng nổ, người ta còn hy vọng rằng Tổng thống Hoa Kỳ sẽ có cơ hội sửa sai để nêu vấn đề với Bắc Kinh về tội đàn áp dân Tây Tạng và bắn tiếng rằng trong hoàn cảnh ấy, ông sẽ khó tham dự lễ khai mạc Thế vận hội 2008. Chờ đợi hoài công, hy vọng hão huyền.

Tất nhiên, những người am hiểu vấn đề vẫn có thừa lý luận để giải thích rằng thái độ của Tổng thống Mỹ là một vấn đề lớn, kết quả của những đắn đo cân nhắc mà người thường không thể hiểu được. Người thường có thể hiểu rằng sự đắn đo ấy phản ảnh những tính toán lý tài ngụy danh thực tiễn. Và không sai!

Mười năm về trước, nhiều người đã khôn ngoan trình bày sự lợi hại của việc chọn Bắc Kinh là nơi tổ chức Thế vận 2008. Rằng thứ nhất, thế giới không hiềm thù gì Trung Quốc. Thứ hai, việc cho xứ này đăng cai tổ chức Thế vận là đòn bẩy, hay cái bẫy, để vì Thế vận mà Bắc Kinh phải hành xử ra chiều văn minh. Rồi từ đó dẫn chế độ độc tài này ra vùng ánh sáng. Một niềm lạc quan vô biên, và không cơ sở.

Kết quả thì nay đã mười mươi.

Chính quyền Bắc Kinh giãn dân, đuổi ra khỏi thủ đô những phần tử họ coi là "bất hảo". Và lập ra danh sách gần năm chục thành phần không có quyền đi vào tham dự một ngày hội lớn của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Dân đen thích pháo bông thì cho xem pháo bông chào mừng ngày "Quang diện Trung Hoa", nhưng qua truyền hình quốc doanh thôi. Lãnh đạo giả thường cho dân ăn bánh vẽ, lãnh đạo Bắc Kinh cũng vậy và bánh vẽ trên màn ảnh! Rồi trước ngày hội lớn thì cả ngàn người đã bị bắt nhốt, báo chí được thanh lọc để sự thật sẽ không thể lọt ra ngoài.

Thế giới muốn đem kỹ thuật tối tân vào để vượt qua bức tường lửa của một nền văn minh ẩn núp sau Vạn lý Trường thành? Cũng dễ thôi! Bắc Kinh mua thiết bị của công ty Thales của Pháp để gây nhiễu âm nhiễu xạ cho các hệ thống phát thanh Tây phương không thể truyền thanh ra ngoài!

Chuẩn bị chu đáo rồi, Thế vận hội Bắc Kinh sẽ được tiến hành trong bóng tối, giữa hàng rào kẽm gai!

Bóng tối vì hệ thống truyền hình NBC không được trực tiếp truyền hình quang cảnh của Quảng trường Thiên an môn. Người Mỹ lý tài sẽ phải xét lại về doanh lợi của tổ hợp G.E., chủ nhân của hệ thống NBC. Một tổ hợp bất xứng về đạo đức và dại dột về kinh doanh khi đâm đầu vào khai thác Thế vận hội Bắc Kinh. Sau đêm mùng tám tháng Tám tại Bắc Kinh, xin hãy theo dõi trị giá cổ phiếu của G.E. trên thị trường chứng khoán Mỹ!

Đây là Thế vận hội mà các lực sĩ sẽ tranh tài trong hàng rào kẽm gai vì được tiến hành dưới sự kiểm soát chặt chẽ của an ninh và mật vụ. Người ta không chỉ đeo mặt nạ để có thể hít thở không khí trong lành chưa có tại thủ đô một xứ đầy ô nhiễm môi sinh. Mà còn phải chuẩn bị mặt nạ, túi nylông với chanh tươi, để tránh lựu đạn cay của công an vũ trang nhân dân!

Một tái diễn của vụ Thiên an môn 1989.

Nhân loại không thể không biết điều ấy. Biết mà vẫn nhắm mắt thì chỉ vì lòng tham. Hay vì sự nhu nhược, như đã nhu nhược trước Thế vận hội Berlin năm 1936 của chế độ Đức quốc xã, với hậu quả là Thế chiến II, vào năm 1939.

Bây giờ, hãy trở lại chuyện Tây Tạng.

Mùng bảy tháng Ba vừa qua, Bắc Kinh bất ngờ loan tin là đã phá vỡ âm mưu của một nhóm khủng bố Hồi giáo thuộc sắc tộc Đột Quyết. Quân khủng bố muốn cướp máy bay của hãng hàng không Southern China Airlines từ thủ phủ Urumqi của Tân Cương bay về Bắc Kinh, nhằm phá hoại Thế vận hội!

Với "tiền lệ" ấy, ta thừa hiểu Bắc Kinh có khả năng ngụy trang đặc công của họ thành một nhà sư xúi giục thanh niên Tây Tạng biểu tình bạo động tại thủ đô Lhasa của Tây Tạng, nay là một Đặc khu "Tự trị" của Trung Quốc. Hiểu vậy không oan: mươi năm về trước, mật vụ Bắc Kinh đã cải trang thành một nhà sư Tây Tạng vào tới Dharamrala của dân Tây Tạng lưu vong tại Ấn Độ để đâm chết một vị cao tăng và học giả về văn hoá Tây Tạng ngay trong Tu viện!

Nếu nhớ vậy thì ta thấy mục tiêu của những màn ngụy trang và khiêu khích ấy là để dằn mặt tất cả những ai mơ tưởng sẽ vì Thế vận hội Bắc Kinh mà biểu tình phản đối. Mọi mầm mống ly khai hay động loạn sẽ bị diệt trong trứng nước.

Nhưng mưu quá hoá mù.

Lãnh đạo một chế độ vô thần, duy vật và lý tài đánh giá sai phản ứng của dân Tây Tạng, và của thế giới. Kết cuộc thì họ tuột tay rơi vào thế kẹt. Họ phơi bày bản chất độc tài và tàn ác khi đàn áp dân Tây Tạng, mà vẫn không dập tắt được tinh thần đấu tranh của rất nhiều phong trào nhân quyền, dân chủ hay ủng hộ Tây Tạng trên thế giới. Họ lâm thế kẹt nên dù có kết án đức Đạt Lai Lạt Ma - "và tập đoàn" - là có hành vi khủng bố hay xúi giục dân chúng Tây Tạng biểu tình bạo động tại các tỉnh của Trung Quốc thì vẫn không trấn áp được sự phản đối.

Vì vậy, như một đám rước hắc ám của quỹ dữ, đuốc Thế vận đi tới đâu là nơi đó lại bùng lên ngọn lửa đấu tranh! Nhất là của những người chẳng liên hệ gì tới Tây Tạng. Ngày 24 vừa qua, khi ngọn lửa thế vận vừa được nhóm lên tại Athens của Hy Lạp, xuất xứ của Thế vận, thì ba người trong tổ chức "Phóng viên không biên giới" đã xuất hiện với lá cờ đen và năm vòng thế vậh là năm cái còng! Ngoài đất Tây Tạng, thì Bắc Kinh, Cam Túc, Thanh Hải và Tứ Xuyên đều có người biểu tình, ngoài lãnh thổ Trung Quốc thì đâu đâu cũng có sự phản đối, kể cả của các lực sĩ Thế vận.

Họ đấu tranh vì công lý và lương tâm, chứ cũng chẳng hưởng được gì của cộng đồng Tây Tạng vỏn vẹn có hơn trăm ngàn người lưu vong tại hải ngoại! Đức Đạt Lai Lạt Ma không có dự án này hay hợp đồng kia để mua chuộc giới đầu tư! Trong cuộc đua giữa thiện và ác, ngài chỉ có nụ cười và lời khuyên là đừng bao giờ rời bỏ căn tánh từ bi của mình.

Một số lãnh đạo trên thế giới có hiểu ra thông điệp ấy.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkoxy đã sáng hơn ông Bush khi lên tiếng rằng mình có thể xét lại việc tham dự lễ khai mạc Thế vận. Thủ tướng Anh, Ba Lan hay Đức cũng ngỏ lời mời và hứa hẹn tiếp đón đức Đạt Lai Lạt Ma. Quốc hội Âu châu còn phản ứng dữ dội hơn khi nêu vấn đề là sẽ thảo luận về việc có nên tẩy chay Thế vận Bắc Kinh hay không.

Ngoài thành phần lãnh đạo chính trị, rất nhiều tổ chức vô vụ lợi của dân chúng thế giới và những khôi nguyên giải Nobel đều đã lên tiếng phản đối Bắc Kinh.

Đâm ra đám rước Thế vận tưởng là sẽ đưa Trung Quốc vào thế giới văn minh bỗng như bị tạt nước!

Trước sự bẽ bàng ấy, lãnh đạo Bắc Kinh đầy bản lãnh tráo trở có thể sẽ tương kế tựu kế.

Họ khơi dậy tinh thần chủ quan và bài ngoại của Hán tộc mà giải thích rằng thế giới thù nghịch bên ngoài đang có hành vi phá hoại Thế vận vì thù ghét Trung Hoa. Rằng đảng Cộng sản Trung Quốc mới là lực lượng kiên cường bảo vệ quốc thể quốc thống. Tức là tự thủ vai nghĩa hiệp và khai thác tinh thần ái quốc của người Hoa để vừa hóa giải thất bại của Thế vận vừa chuyển sự bất mãn của quần chúng về những chuyện kinh tế xã hội chồng chất ở bên trong vào đối tượng bên ngoài. Và nhân đó hăm he các cơ sở đầu tư hay thông tin ngoại quốc về hậu quả kinh doanh đầy bất lợi sau này, nếu đánh đu với tinh... Tây Tạng!

Ngày xưa, Trung Quốc thời Từ Hy Thái hậu đã từng dùng thủ đoạn khơi dậy tinh thần bài ngoại với vụ loạn "Quyền phỉ" của Nghĩa hoà đoàn. Mà cuối cùng thì nhà Đại Thanh vẫn sụp đổ!

Giữa thiện và ác, thế giới có thể chọn lựa, từng người trong chúng ta cũng vậy.

Chọn lựa đầu tiên là tìm hiểu để biết phân biệt thiện ác. Đã biết rồi thì phải cho đại diện dân cử của mình ở địa phương biết rõ lập trường, hầu ở mọi nơi, từ những hội đồng thị xã tới cấp tiểu bang và liên bang, chính quyền Hoa Kỳ biết rõ quan điểm của mình. Và phải cho các doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn tại Trung Quốc hiểu rõ lập trường của giới tiêu thụ: chúng tôi không thể là đồng lõa của tội ác.

Còn trò chơi Thế vận? Ta có muốn là kẻ vỗ tay cổ võ một màn bịp bợm gian ác không?

NGUYỄN XUÂN NGHĨA

29 thg 3, 2008

Hình ảnh của buổi lễ châm lửa thế vận đầy kịch tính ở Olympia, Hy Lạp




Vào ngày 24/3/2008, tại Olympia, Hy Lạp, trong lúc ông Liu Qi - chủ tịch Ủy ban tổ chức Olympic Bắc Kinh - đọc diễn văn thì có hai thanh niên Hy Lạp chạy ra giăng cờ màu đen có huy hiệu 5 chiếc còng sắt biểu hiệu cho chế độ độc tài của TQ nhưng bị cảnh sát Hy Lạp dẫn đi. Được biết, đây là các thành viên của Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters Sans Frontieres) có trụ sở ở Pháp.

Nguồn: http://www.welt.de/politik/article1832518/China_zensiert_die_olympische_Zerem...

Mời các bác xem video buổi lễ và đoạn chạy đầu tiên:

http://www.youtube.com/watch?v=i3sffwdvqvs

__________

Thân gửi các bạn Sinh viên Học sinh đang ở trong nước,

Dầu TQ không rước đuốc qua TSHS thì ý nghĩa cuộc xuống đường biểu tình ngày 29/4/2008 cũng không thay đổi. Chúng ta không thể làm ngơ để kẻ chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa ung dung rước đuốc trên quê hương của chúng ta. Các bạn hãy xem sự dũng cảm của những thanh niên Hy Lạp để nung đúc ngọn lửa căm hờn cho ngày biểu tình sắp đến.

__________

Nguồn : Blog Cu tè

27 thg 3, 2008

Đối thoại




Trước đây trong bài viết “ Nỗi buồn mang tên Việt Nam” tôi đã viết về những suy nghĩ và những cảm xúc đầy cay đắng, chua xót của tôi cũng như của bạn bè tôi khi quyết định bày tỏ thái độ về việc Trung Quốc ngang nhiên có những động thái xác nhận chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam nhưng lại không được Nhà Nước cho phép! Trong bài viết đó, tôi đã nói một ý rằng đối với những người tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc, “sự cay đắng lớn nhất nhiều khi không phải từ những gì phải nhận từ phía chính quyền mà từ những người chung quanh. Người ta sẽ nhìn chúng ta như những kẻ rỗi hơi thừa giờ đi làm những việc tào lao, những kẻ thiếu khôn ngoan hoặc cố tình lập dị, hoặc bất tài, thất bại, có điều gì bất mãn cá nhân nên đâm ra bất mãn xã hội, còn nếu ta không thất bại mà lại có chút thành đạt trong công việc của mình, thậm chí thuộc loại có tiền thì chắc là…muốn chơi trội để gây chú ý!…”. Thậm chí có người còn bảo: lại bị bọn xấu xúi giục đây! Khi những người dân oan từ các tỉnh kéo lên thành phố ăn dầm nằm dề ngủ bụi ngủ bờ trước cửa Văn phòng 2 của Quốc hội ở đường Hoàng Văn Thụ-Sài Gòn, tôi cũng đọc thấy có bài báo viết rằng dân chúng bị “kẻ xấu” kích động, xúi giục! Cứ thử nghĩ mà xem nếu đất đai nhà cửa của người nông dân không bị giải tỏa rồi đền bù với giá rẻ mạt không thỏa đáng, trong khi đó họ lại chứng kiến những người khác mua đi bán lại những miếng đất đó với giá cao gấp bao nhiêu lần, làm giàu trắng trợn ngay trước mắt họ, mà khi họ đi khiếu kiện hết năm này qua tháng nọ thì không ai giải quyết cho; chính nỗi đau, nỗi uất ức đó mới có thể khiến họ khăn gói từ làng quê xa xôi lên thành phố ăn chực nằm chờ cả tháng như vậy chứ chẳng phải vì “kẻ xấu” nào đó xúi giục, dúi cho ít tiền mà khiến họ phải bỏ ruộng bỏ nhà đi làm cái việc kêu oan một cách vô vọng, mà nếu có trường hợp nào như vậy thì đó chỉ là cá biệt, thiểu số, còn nỗi oan về đất đai là có thật và đang là vấn đề bức xúc nhất của nông dân ở nhiều nơi.

Là một con người, sống trong một đất nước, một xã hội, nếu chưa bị vô cảm hoặc quá hời hợt đến mức chẳng quan tâm đến bất cứ chuyện gì trái tai gai mắt, bất công, phi lý đang xảy ra chung quanh hàng ngày, người ta chắc chắn phải có những cảm xúc, chính kiến, quan điểm, thái độ chính trị-xã hội. Nhìn chung không ai lại không mong muốn cho cái xã hội mà họ đang sống trong đó ngày càng tốt đẹp hơn, phát triển một cách nhân bản hơn, các quyền tự do dân chủ và quyền làm người của nhân dân phải được tôn trọng hơn. Nhưng trong một xã hội được điều hành bởi một thể chế độc tài, khoan nói đến sự khó khăn trong quá trình đối thoại giữa nhân dân với chính quyền-điều này gần như…vô vọng; trước hết ngay cả việc đối thoại giữa con người và con người với nhau trong xã hội đó phải nói rằng cực kỳ khó khăn.

Đọc những cuốn tiểu thuyết của Solzhenitsyn viết cách đây mấy mươi năm về xã hội Nga Sô dưới thời Xtalin cho tới những cuốn tiểu thuyết gần đây của Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện về xã hội Trung Quốc bây giờ, có thể thấy từ bầu không khí xã hội, môi trường sống cho tới cách hành xử giữa con người và con người với nhau chẳng đổi khác gì bao nhiêu.Vẫn là một sự ngột ngạt, một nỗi sợ hãi bao trùm, người này nghi kỵ dò la người kia, sẵn sàng tố giác nhau, sẵn sàng nhảy xổ vào nhau lên án nhau là “ bọn phản động, có âm mưu chống lại chế độ, chống lại lãnh tụ, hủy hoại thành tựu xã hội chủ nghĩa…”

Khi phải sống quá lâu trong một thể chế phi dân chủ, giống như khi phải sống quá lâu trong một môi trường bị ô nhiễm nặng nề, con người bị mắc nhiều thứ bệnh mà không biết.

Dạng thứ nhất đó là do được giáo dục, cung cấp thông tin suốt bao nhiêu năm theo kiểu một chiều và chỉ có một nửa sự thật, rất nhiều người đã thành thật tin vào những điều mà mình được giáo dục, được thông tin đó đến mức không thể chấp nhận có vô vàn những điều dối trá sai lầm trong đó. Và nếu có ai nói bất cứ điều gì khác với những điều họ đã được dạy, đã tin vào, lập tức họ quy kết ngay cho những người đó là phản động, bôi bác chế độ, có mối hằn thù cá nhân gì đó đối với chế độ…và khăng khăng cho rằng mọi thông tin trái chiều đó là bịa đặt, sai trái…Những người như vậy không thể đối thoại và cũng không thể thay đổi.

Một dạng khác cũng là một trong những căn bệnh trầm kha dễ thấy nhưng khó chữa ở người dân sống trong một thể chế độc tài toàn trị lâu ngày đó là bệnh hèn hạ, bạc nhược, sợ hãi tất cả mọi thứ và chỉ muốn an thân. Nỗi sợ hãi ấy nặng nề đến nỗi không những người ta tự biên tập, tự kiểm duyệt mọi hành vi thái độ lời ăn tiếng nói của mình mà người ta còn kiểm duyệt dùm cho cả người khác hoặc né xa người khác nếu thấy người đó có những quan điểm, thái độ chính trị có thể…gây liên lụy cho mình. Nếu so với những năm 50,60, 70 hay 80… nỗi sợ hãi ấy nhìn bên ngoài tưởng như đã bớt đi vì bây giờ ít nhất từ người dân thường cho tới người trí thức nào cũng đầy bức xúc và có thể nói toang toang với nhau về những bất công, phi lý, tệ nạn này kia của xã hội. Nhưng sâu xa hơn thì nỗi sợ ấy vẫn còn nguyên như thế trong mỗi người, khi cần phải công khai, danh chính ngôn thuận có một thái độ về một vấn đề gì đó là người ta lập tức rụt lại ngay.

Cũng có những người thấy được, hiểu được vấn đề nhưng sợ mọi sự thay đổi, mọi xáo trộn. Và cái thói quen bạc nhược, chỉ muốn cầu an khiến người ta tự động tìm ra những lập luận, cách lý giải mọi chuyện theo hướng…AQ. Một trong những lập luận rất hay được chính quyền và cả những người như vậy đưa ra đó là xã hội nào mà chả có vấn đề, xã hội nào mà chả có tham nhũng, bất công, có người giàu kẻ nghèo…, ở Mỹ nó cũng có khối vấn đề đó thôi, hoặc so với thời bao cấp thì bây giờ mọi người sướng hơn nhiều quá rồi, hoặc dù sao ở nước mình cũng ổn định về chính trị còn hơn khối nước cứ tối ngày có nạn khủng bố, đảo chính, vả lại dân trí nước mình còn thấp đa đảng để mà loạn à, VN mình đã từng bị chiến tranh đổ máu nhiều rồi bây giờ tuyệt đối không thể nào để cho bất cứ chuyện bạo động, thay đổi gì xảy ra nữa v.v và v.v…

Không ai chối cãi rằng bây giờ bộ mặt kinh tế của Việt Nam đã và đang thay đổi nhiều, đời sống người dân đỡ hơn nhiều so với thời bao cấp trước kia…Nhưng đừng quên rằng trong khi chúng ta đang tiến lên thì thế giới vẫn không hề dừng lại và mọi lý luận bao biện cũng không thể phủ nhận một sự thật rằng đất nước chúng ta chắc chắn sẽ phát triển tốt đẹp hơn và nội lực của cả dân tộc sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nhiều nếu với một thể chế chính trị tự do hơn, dân chủ hơn, trong đó không chỉ cần có sự cạnh tranh về kinh tế mà cả sự cạnh tranh về chính trị; trong đó con người phải được giải phóng khỏi mọi nỗi sợ hãi, mọi suy nghĩ một chiều, mọi sự áp chế vô hình về mặt tinh thần; giữa chính quyền và nhân dân, giữa con người và con người trong xã hội phải đối thoại được với nhau…

Đối thoại-một điều tưởng như đơn giản mà không hề đơn giản chút nào. Trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người, nếu không thể truyền thông, không thể đối thoại được với nhau-bi kịch chắc chắn sẽ xảy ra. Mối quan hệ giữa một nhà nước với nhân dân cũng vậy. Mọi Nhà Nước chuyên chế độc tài luôn luôn tìm mọi cách để né tránh phải đối thoại trực tiếp với người dân, một mặt chơi bài vờ như không biết không nghe không thấy những căn bệnh của xã hội và nỗi bức xúc của người dân, một mặt sử dụng giáo dục+truyền thông để tiếp tục nhồi nhét những thông tin một chiều, đánh tráo khái niệm, bưng bít sự thật, và không ngần ngại sử dụng sức mạnh để đàn áp mọi sự đòi hỏi, phản kháng của người dân khi cần thiết. Điều đó chỉ tạo nên một sự ổn định giả tạo trên bề mặt, những căn bệnh ung thư không được chữa sẽ vẫn tiếp tục hủy hoại cái cơ thể xã hội với một mức độ phá hoại ngày càng lớn và khi có điều kiện để hồi phục thì sự hồi phục ấy cũng vất vả hơn, chậm hơn hàng thế hệ.

Có rất nhiều người trí thức có tài và có tâm hiện nay, khi ý thức được tình trạng không thể đối thoại được với chính quyền cũng không hy vọng gì vào một sự thay đổi một sớm một chiều, họ đành chọn giải pháp ráng làm người tử tế trong một xã hội mà điều tử tế trở thành hiếm hoi, ráng không xả thêm rác vào xã hội, ráng làm những điều nhỏ bé nhất có thể trong phạm vi của mình để đóng góp thêm một làn hơi nhỏ nhoi vào sự dịch chuyển cái cỗ xe nặng nề của đất nước trong đó cứ một người đẩy lên lại ngàn người kéo lùi lại. Điều đó thật đáng quý biết bao nhưng… lại một lần nữa…phải thở dài ngậm ngùi mà nhắc lại rằng, trong khi chúng ta lãng phí hàng bao nhiêu thứ từ thời gian, tài nguyên của đất nước cho đến vốn quý của xã hội là con người để chỉ nhích lên một milimét thì thế giới không hề dừng lại để chờ đợi !!!

Nguồn : Song Chi

Bloggers Việt tẩy chay Olympics

Bloggers Việt tẩy chay Olympics
Người dân các giới ở Sài Gòn tuần hành, biểu tình phản đối Trung Quốc thôn tính Hoàng Sa - Trường Sa cuối năm ngoái 2007
Liệu có tiếp tục xảy ra những cuộc biểu tình, tuần hành phản đối Trung Quốc nữa như thế này hay không
Cộng đồng bloggers Việt Nam những ngày gần đây truyền nhau về tin sẽ có một cuộc xuống đường phản đối rầm rộ chống Trung Quốc nữa.

Lần này, những người tổ chức dự định sẽ kêu gọi đông đảo mọi người tẩy chay lễ rước đuốc Olympics đi qua thành phố vào lúc 17h ngày 29 tháng Tư tới đây.

Theo kế hoạch được thống nhất giữa Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh và Sở Thể dục Thể thao của thành phố, ngày 29 tháng Tư, lễ đón ngọn đuốc Bắc Kinh 2008 sẽ được tổ chức ở đây.

Đám rước ngọn đuốc Thế vận hội Bắc Kinh sẽ di chuyển trên một lộ trình dài 13 km.

Điểm bắt đầu là Bảo tàng TP Hồ Chí Minh ở khu vực Nhà Rồng, đi qua một loạt các địa điểm, trục đường phố như Nguyễn Tất Thành, cầu Tân Thuận, đại lộc Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, cầu Kênh tẻ, Khánh Hội, Hoàng Diệu.

Sau khi đi qua cầu Ông Lãnh, các trục đường Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, ngọn đuốc dự kiến đi qua 22 thành phố lớn trên Thế giới này, sẽ đến đích tại Nhà hát Thành phố.

Trong bối cảnh Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa như vậy, tôi cho rằng sinh viên, học sinh, người Việt Nam đứng lên phản đối, là một hành động đúng đắn
Nhà văn Nguyễn Viện

Nhà văn Nguyễn Viện cho BBC Việt ngữ biết rằng các bloggers Việt và các giới biểu tình phản đối Olympics Bắc Kinh sẽ tập trung và xuống đường như hai đợt biểu tình "Vì Hoàng Sa - Trường Sa" trước đây.

Kêu gọi từ trước

Ông cho biết những người tổ chức đã có kế hoạch từ trước: "Sau việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, tôi nghĩ tất cả mọi người đều phản ứng với hành động đó của Trung Quốc",

"Chúng tôi trước đây đã có lời kêu gọi tẩy chay Olympics Trung Quốc, mà bây giờ Chính quyền Sài Gòn lại cho tổ chức một cuộc rước đuốc", ông Viện nói.

"Trong bối cảnh Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa như vậy, tôi cho rằng sinh viên, học sinh, người Việt Nam đứng lên phản đối, là một hành động đúng đắn", vẫn lời nhà văn này.

Khác với sự phản đối của ngày xưa, bây giờ mọi thứ đều công khai
Hoạ sĩ, nhà thơ Như Huy

Trong khi đó, hoạ sĩ, nhà thơ Như Huy, với tư cách người quan sát các sự kiện, cho rằng cuộc tẩy chay có thể xảy ra còn với thông điệp phản đối Trung Quốc đàn áp cuộc nổi dậy đòi độc lập hiện nay của Tây Tạng.

Ông Huy nhận định việc người dân Việt Nam, thuộc nhiều giới khác nhau, xuống đường tuần hành, phản đối các hành vi xâm chiếm đất đai Việt Nam của Bắc Kinh thời gian qua, và việc tẩy chay Olympics như dự định tới đây, đang trở thành một khuynh hướng công khai.

Ông nói "Khác với sự phản đối của ngày xưa, bây giờ mọi thứ đều công khai. Bây giờ thậm chí google là ra ngay, sẽ biết tất cả lịch trình và các thứ như vậy",

"Khi mà thông tin này đưa lên, thì phía những người tổ chức cũng biết và cả phía Chính quyền cũng sẽ biết", vẫn lời hoạ sĩ Huy.

25 thg 3, 2008

Thế giới nói giùm Tây Tạng

(đề tặng những người yêu tự do)
thực hiện: Nguyễn Việt Nam
nguổn: Youtube

Tây Tạng một cái nhìn toàn cục

Tây Tạng một cái nhìn toàn cục
Tây Tạng một cái nhìn toàn cục

Đức Đạt Lai Lạt Ma
Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, được coi là biểu tượng sáng giá của nhân quyền, hoà bình và bất bạo động
Các diễn biến ở Tây Tạng ngoài đề tài chính trị Trung Quốc còn nêu bật trở lại câu hỏi về tôn giáo, cụ thể là Phật Giáo, nhất là khi dư âm của phong trào biểu tình ở Miến Điện còn chưa tắt.

Không phải bây giờ sự trỗi dậy của các tôn giáo truyền thống mới được nói đến.

Ngay sau khi Chiến tranh Lạnh cùng sự đối đầu ý thức hệ Đông Tây chấm dứt, tôn giáo đã trở lại với các hình thức mới và cũ, vừa nêu bật lại các vấn đề tâm linh muôn thuở, vừa đặt câu hỏi về đề tài mới nhất như môi trường, công bằng xã hội, hay nhân tính trong bối cảnh công nghệ tăng tốc chóng mặt.

Nếu như những năm qua, Hồi giáo gần như chiếm lĩnh cuộc tranh luận tại Phương Tây trong bối cảnh Thiên Chúa Giáo giảm vị thế ở chính các vùng truyền thống nhưng có tiềm năng lan ra ở những khu vực cựu 'Thế giới thứ Ba' thì nay, với Nam Á, Miến Điện và giờ là Tây Tạng, Phật Giáo thuộc dòng dấn thân, tranh đấu được mô tả là một thế lực mới.

Trong một bài mới đây trên Newsweek, tác giả Christian Caryl cùng cộng tác viên từ Ấn Độ, Đài Loan và Trung Quốc đã cho rằng 'từ tôn giáo kêu gọi hòa bình', với chừng 1,5 tỉ người Phật giáo đang thành 'một phong trào chính trị và xã hội' ở châu Á.

Bài báo 'Những Đội quân Giác ngộ' (Armies of the Enlightened) đưa ra luận điểm rằng từ Ấn Độ, Sri Lanka đến Thái Lan, Miến Điện, Đài Loan và Trung Quốc, số người tìm đến đạo Phật tăng lên nhanh và các nhóm chính trị, xã hội mang màu sắc Phật giáo hoặc có sự ủng hộ của tăng ni đang tạo vị thế ngày một rõ.

Các tác giả đưa ra ví dụ đảng Bahujan Samaj đã nắm quyền ở bang Utah Prades của Ấn Độ, đảng Jathika Hela Urumaya cũng có vị trí quan trọng tại Sri Lanka trong lúc ở Đài Loan, các hội đoàn Phật giáo cũng tăng tín đồ.

Những cuộc xuống đường chống thủ tướng Thaksin Shinawatra ở Thái Lan được nói là có sự ủng hộ của các tăng ni. Bài mô tả lãnh đạo đảng Dharma (Phật pháp) của Thái Lan, ông Chamlong Srimuang, cựu đô trưởng Bangkok có tài biến tổ chức này thành một lực lượng chính trị có ảnh hưởng lớn.

Riêng với Trung Quốc, bài báo cho rằng Phật giáo nói chung và Tây Tạng nói riêng 'làm Bắc Kinh lo lắng' tuy chính quyền cho giáo phái Hội Từ Tế (Tzu Chi, Đài Loan-nổi tiếng với các kênh TV truyền đạo) vào làm các hoạt động từ thiện.

Còn về Việt Nam,Christian Caryl nói chính quyền tìm cách hạn chế ảnh hưởng của đạo Phật nhưng cho rằng tinh thần của Phật giáo phái Thích Nhất Hạnh khác với tính đấu tranh của các nước khác.

Bài báo nói phái của vị sư này 'không quên tinh thần hòa bình của Đức Phật' và nhắc đến hai chuyến hồi hương năm 2005 và 2007 khi hòa thượng Thích Nhất Hạnh 'được chào đón như anh hùng dân tộc'.

Thách thức

Một người biểu tình Tây Tạng ở nước ngoài ủng hộ nổi dậy trong nước
Nhiều người dân Tây Tạng lưu vong hoặc cư ngụ ở nước ngoài đã lên tiếng ủng hộ đòi độc lập của Tây Tạng và phản đối sự chiếm đóng của chính quyền Trung Quốc

Với các chế độ dân chủ hoặc ít nhiều có cơ chế hội nhập chính trị một cách dân chủ cho các phong trào xã hội bất kể màu sắc tôn giáo, ý thức hệ (Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản) thì sự vươn lên của Phật giáo hay các giáo phái theo chủ thuyết xã hội của Đức Phật không phải là một vấn đề gì quá phức tạp.

Cùng lúc, quá trình dấn thân chính trị-xã hội của Phật tử hay bất cứ tín đồ của một đạo giáo nào mà chính quyền không kiểm soát được đã và đang gây đau đầu cho những thể chế chưa dân chủ, điển hình nhất là Trung Quốc.

Ta hãy xem lại đường đi nước bước của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong trường hợp Tây Tạng.

Theo bình luận của báo The Economist ra tại London tuần này thì chính sách của Bắc Kinh với Tây Tạng đã sai ngay từ nguyên tắc.

Thứ nhất, họ bác bỏ vai trò của Đạt Lai Lạt Ma, cho vị này là một thứ tàn dư của chế độ phong kiến tiền cách mạng.

Bởi thế chuyện xoay ra giải thích với dư luận trong nước rằng chính Đạt Lai Lạt Ma 'đứng đằng sau' các vụ bạo động trở nên kém thuyết phục.

Thứ nhì, vì không muốn thảo luận với nhân vật lãnh đạo tinh thần này của người Tây Tạng (với ý muốn đợi ngài chết đi thì sẽ chọn một người kế vị nghe lời), Bắc Kinh đã chỉ làm cho các nhóm thanh niên Tây Tạng cấp tiến lớn mạnh.

Những người này được các ví dụ của Đông Timor và gần đây là Kosovo thuyết phục, đã tin rằng chỉ có bạo động mới đem lại độc lập.

Họ cũng coi Đạt Lai Lạt Ma là quá 'mềm' và đã cao tuổi nên chuẩn bị cho một tương lai đấu tranh, kể cả bằng bạo lực nếu cần.

Như thế, bác bỏ Đạt Lai Lạt Ma, Trung Quốc tự chuẩn bị cho mình một tương lai khó khăn hơn.

Nhưng tại sao Trung Quốc lại có thể sai lầm như vậy?

Theo nhà Trung Quốc học Jean Phillipe Beja của Pháp thì chính quyền Bắc Kinh đã dựa vào hệ thống an ninh, mật vụ để nắm bắt tin tức về Tây Tạng và hiển nhiên những thông tin này đã không lường trước được các cuộc biểu tình.

Tờ The Economist gián tiếp xác nhận chuyện này với tin rằng phóng viên của họ được cấp giấy đến Lhasa đúng vài ngày trước vụ bạo loạn, chứng tỏ chính quyền nghĩ rằng với sự tăng trưởng kinh tế rất tốt của Tây Tạng, dân chúng đã chấp nhận chính sách của nhà nước nên đã có thể mở cửa vùng này cho nhà báo Phương Tây đến đưa tin.

Ngoài ra, Bắc Kinh tin rằng về lâu dài, với chính sách di dân người Hán lên Tây Tạng, việc đồng hóa người địa phương sẽ chỉ cần thời gian là hoàn tất.

Thực ra điều Trung Quốc không tính được là tinh thần tôn giáo và dân tộc của người Tây Tạng không giảm nhờ phát triển kinh tế.

Trái lại, càng hội nhập, kết nối với bên ngoài (qua Internet, điện thoại di động) và giao lưu nội địa (đường xe lửa cao nhất thế giới nối Thanh Hải với Lhasa làm tăng số người Tây Tạng ở các vùng xa đi lại làm ăn, thăm viếng nhau), sức lôi cuốn của một thế giới mới mà chính họ làm chủ được đời sống của mình lại càng tăng cao.

Hiện tượng toàn cầu

Trở lại luận điểm ban đầu, không thể nào trách người Tây Tạng tìm về quá khứ hay tụ họp theo các nhánh tôn giáo truyền thống.

Một nhà sư Tây Tạng trong cuộc phản kháng bắt đầu hôm 10.03.08
Đòi độc lập cho Tây Tạng và Phật giáo ở đây luôn là một thách thức lớn đối Bắc Kinh

Hiện tượng mang tính toàn cầu này đang diễn ra trên toàn Trung Quốc.

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, chính tại các vùng của người Hán, số người trở lại với Phật giáo và các tôn giáo truyền thống tăng lên rất nhiều.

Một mặt, nó là hệ quả tất yếu của việc ý thức hệ cộng sản mất giá.
Mặt khác, cuộc sống vật chất thăng tiến khiến người ta đặt câu hỏi về ý nghĩa của đời người, của sinh tử và tìm đến các tôn giáo.

Bản thân nhà nước Trung Quốc cũng công khai khuyến khích sự phục hồi Khổng giáo và cổ vũ việc về nguồn bằng văn hóa ở các địa phương trong chiến lược khôi phục tinh thần Trung Hoa vĩ đại.

Thậm chí, nhà Trung Quốc học Jean Phillipe Beja còn cho hay dù đa số dân Trung Quốc phê phán Đạt Lai Lạt Ma và mọi ý tưởng ly khai của Tây Tạng nhưng với thanh niên đô thị Trung Quốc, việc tìm hiểu Phật giáo Tây Tạng lại trở thành một trào lưu, và đối với không ít người thì việc để cho Tây Tạng có tự trị cũng chẳng phải là chuyện gì đáng sợ.

Như thế, thách thức với chính quyền đến từ nhiều phía, kể cả từ dư luận trong nước chứ không chỉ từ phái cấp tiến trong các sư tăng Tây Tạng thế hệ trẻ.

Tóm lại, với một chế độ sinh ra từ nội chiến ý thức hệ như Trung Quốc, sai lầm từ gốc là ý muốn 'giải quyết' các vấn đề tôn giáo bằng các tính toán chính trị.

Các chính quyền Phương Tây đã rút ra bài học đau đớn từ lịch sử là để thế quyền và thần quyền lẫn vào nhau.

Bởi thế, tác tôn giáo ra khỏi chính quyền là cách tốt nhất giúp cả hai cùng tồn tại và phát triển.

Với mô hình toàn trị có gốc từ Đông Âu, chính thức mà nói thì tôn giáo bị tách ra mà chính quyền nhưng trên thực tế thì chính quyền bỏ rất nhiều công sức tìm cách điều khiển tôn giáo hoặc có lúc nguy hại hơn là đẩy tôn giáo vào vị trí đối đầu tinh thần.

Như thế, chính quyền vừa phải cạnh tranh (không cần thiết) với các tôn giáo trong việc chứng tỏ ai hơn ai trong lĩnh vực tư tưởng và các luận đề xã hội, vừa phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động mang tính tôn giáo trong dân chúng.

Liên Xô sụp đổ cũng chứng tỏ việc trấn áp thẳng tay hay cài người vào các tôn giáo tỏ ra không hiệu quả đơn giản là vì tôn giáo không phải là thứ có thể kiểm soát được.

Tại Á Châu vấn đề tôn giáo, cụ thể là Phật giáo trong những năm tới sẽ còn là đề tài quan trọng.

Lý do là bên cạnh các vấn đề môi trường, dân sinh và dân quyền (gián tiếp tạo xung lực cho dân chủ), thì chủ đề bản sắc con người và dân tộc sẽ luôn mang tính thời sự trước tác động của giao lưu toàn cầu và va chạm với lối sống Âu-Mỹ.

Đạt Lai Lạt Ma tiếp Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến thăm hạ tuần tháng 3.08 tại Ấn Độ
Trung Quốc luôn muốn loại bỏ Đạt Lai Lạt Ma còn phương Tây, Hoa Kỳ thì không nghĩ như vậy

Mà tôn giáo, nhất là Phật giáo, nhờ sự có mặt và bén rẽ hàng nghìn năm ở toàn khu vực chứa đựng nhiều luận giải tuy câu trả lời đúng hay sai còn tùy khả năng thể hiện của những người diễn dịch.

Quyền lực đem lại sức mạnh, tiền bạc đem lại cảm giác chiếm đoạt, làm chủ, khoa học cho con người kiến thức còn niềm tin tôn giáo kiến tạo ý nghĩa cho cuộc sống.

Mối quan hệ phức tạp giữa tôn giáo và quyền lực đã được nói đến nhiều, ở đây chỉ xin nhắc đến sự tương tác của nó với khoa học, đề tài hiện đang được nghiên cứu trở lại (dự án Explaining Religion của châu Âu).

Tôn giáo không có kiến thức khoa học dễ rơi vào chủ nghĩa cực đoan nhưng khoa học đứng đơn lẻ, thiếu mục tiêu có ý nghĩa cũng có thể trở thành nguy hiểm.

Đây cũng là mối quan hệ không tránh khỏi trong tương lai lâu dài của loài người dù ai đó muốn hay không.

Để kết luận, xin kể lại nội dung truyện ngắn 'Chín Tỉ Tên Thượng Đế' (The Nine Billion Names of God) của nhà văn Anh Arthur Clarke, người vừa qua đời, về đề tài khoa học với tôn giáo: hai chuyên gia máy tính Phương Tây được một tu viện Tây Tạng thuê lắp một chiếc máy có thể đọc hết được tất cả các tên của Thượng Đế với niềm tin rằng nếu họ tìm được và in ra được tất cả thì Thượng Đế sẽ biến mất vào vũ trụ.

Hoàn tất công việc họ rời tu viện, vừa xuống núi vừa cười sự mê tín mê muội của mấy ông sư. Khi họ sắp trở lại 'thế giới văn minh' thì chiếc máy tính cũng in ra cái tên cuối cùng.

Hai người Phương Tây nhìn lên bầu trời và thấy 'các vì sao bắt đầu tan biến'. Truyện là như vậy tuy bản thân Arthur Clarke không tin vào tôn giáo nào cả.

24 thg 3, 2008

Tây Tạng: Dải Gaza của Trung Quốc




Bản đồ những địa điểm diễn ra biểu tình phản kháng tại Tây Tạng ngày 17.3.2008
Jürgen Kremb
Trần Kh. dịch

Những gì xảy ra trên đường phố của Lhasa không phải là sản phẩm của "những kẻ đòi ly khai", mà là hệ quả của một chính sách lầm lạc. Nếu Trung Quốc còn muốn cứu vãn kỳ Thế vận hội sắp đến thì không thể cứ tiếp tục tuyên truyền kiểu cộng sản, mà phải bằng đối thoại. Đức Đạt Lai Lạt Ma hiển nhiên là một đối tác thích hợp hơn cho việc này, chứ không phải là những nhóm thanh niên Tây Tạng sẵn sàng bạo động.

chinhtri210308_2

Đường phố Lhasa trong vòng kiểm soát của quân đội Trung Hoa

Xe tăng trên đường phố Lhasa, những chiếc ô tô bốc cháy trên "mái nhà của thế giới" và hàng ngàn quân lính với những nòng súng sẵn sàng nhả đạn tìm cách tái lập sự yên bình bằng bạo lực của khí giới, cứ như thể Trung Quốc đã biến thành một nước "cộng hoà chuối" (banana republic) đang trên đà đổ sụp. Thêm vào đó là một số người bị thiệt mạng còn chưa được xác định ở cả hai phía. Đấy hẳn nhiên không phải là hình ảnh một Trung Quốc đang nổi lên như một tân cường quốc kinh tế mà Bắc Kinh đang muốn trình ra với thế giới trước kỳ Thế vận hội 2008, sự kiện được họ xem như là một lễ hội của thế kỷ.

Không, đấy quả là một cơn ác mộng. Trước nhất là cho những con người đang sống ở đấy, trong những ngày sắp tới, họ phải tính đến chuyện có thể rồi sẽ bị lôi ra khỏi nhà, sẽ phải nhận lãnh những bản án xấu nhất cũng như những đòn thù tra tấn. Chẳng còn ai nghĩ rằng chính quyền Bắc Kinh muốn tôn trọng nhân quyền trước kỳ Thế vận hội.

Trước khi ngọn đuốc Olympic được truyền đi trên đường phố Lhasa và theo dự định, sẽ còn được đốt lên trên đỉnh Everest vào quãng cuối tháng Tư, đầu tháng Năm, thì có lẽ các thẩm phán Trung Quốc đã tuyên đọc xong những bản án tử hình đầu tiên cho một số người tham gia các cuộc biểu tình.

Và đối với những viên chức thuộc ban Tổ chức Thế vận hội cũng như các chính trị gia Trung Quốc, những kẻ rất mong muốn được tắm mình trong vinh quang và hào quang toả chiếu từ những cuộc tranh tài thể thao sạch sẽ và "phi chính trị", thì những gì đang diễn ra ở Tây Tạng cũng là một cơn ác mộng kinh khủng nhất cho họ.


Hai mươi năm hoang phí

Những trò đổ lỗi cho nhau bây giờ chẳng có ích cho ai. Thay vào đó phải là sự ý thức và nhìn thẳng vào thực tại. Trên thực tế thì xung đột Tây Tạng là một vấn nạn chính trị và những gì diễn ra hiện nay ở đấy là hậu quả phải gánh chịu cho việc Bắc Kinh và chính quyền lưu vong Tây Tạng đã để 20 năm trôi qua một cách phí hoài mà không tìm ra được một giải pháp nghiêm túc và hoà bình nào cho những vấn đề của họ.

Lần cuối cùng cả hai phía có những cố gắng hoà giải là vào đầu những năm 80. Lúc bấy giờ, với sự đồng ý của chính quyền Trung Quốc, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cử tổng cộng ba phái đoàn về Tây Tạng, gồm những họ hàng thân thích của ông, những chính khách lưu vong và những sư sãi thuộc hàng lãnh đạo Phật giáo. Đoàn nào về cũng gây ra một sự xáo động trên "mái nhà của thế giới".

Dân chúng đã bật khóc và tường thuật về những khổ nạn không thể nào kể xiết, về những vi phạm nhân quyền thô bạo nhất mà họ dã chịu đựng trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá (1966-1976), về âm mưu diệt chủng và việc huỷ hoại nền văn hoá Phật giáo cao quí của họ. Theo nhiều nguồn ước đoán khác nhau thì con số người Tây Tạng đã chết bởi quân chiếm đóng Trung Quốc cũng như qua các chiến dịch chính trị diễn ra tại đấy có thể lên đến 1 triệu 200 ngàn người, tính từ thời điểm Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải rời bỏ quê hương của mình vào tháng 3 năm 1959.


Ngôn ngữ tuyên truyền cộng sản lỗi thời


chinhtri210308_3

Biểu tình tại Cam Túc

Bắc Kinh đã hoảng hốt vì không lường trước những chuyện đó và từ đấy đã tránh né mọi cuộc đối thoại. Với những khẩu hiệu của thời cộng sản "tiền sử", bất kỳ hình thức biểu tình nào, ngay cả những cuộc biểu tình của các sư sãi Phật giáo, cũng bị đàn áp và miệt thị là những "cuộc bạo loạn của đám côn đồ". Đức Đạt Lai Lạt Ma - qua ngôn từ thô thiển bốc ra từ chiếc rương đã mục ruỗng của phương cách tuyên truyền cộng sản - thì trở thành một "bàn tay đen đúa" hoặc "một kẻ đòi ly khai đang âm mưu chia cắt đất nước". Những lời mời từ phía chính quyền Trung Quốc hướng đến Đức Đạt Lai Lạt Ma, rằng ông và chính quyền lưu vong của ông có thể hồi hương, nhưng với điều kiện là phải sống ở Bắc Kinh chứ không phải tại Tây Tạng, đã cho thấy rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc thực tâm tới mức nào với lời mời của họ. Ngay đến cả việc lưu giữ hình ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng bị trừng phạt.

Trong thực tế thì những nhân vật ở Trung Nam Hải, trụ sở của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoàn toàn không quan tâm đến một giải pháp khả dĩ có thể chấp nhận bởi hai phía cho cuộc xung đột này. Bắc Kinh dựa vào khối dân số khổng lồ của họ, mưu đồ đè bẹp Tây Tạng bằng hình thức đồng hoá và chính sách định cư dân Trung Quốc. Từ nhiều thập niên nay, chính quyền Trung Quốc đã khuyến khích cán bộ, nông dân và thợ thuyền của họ đến lập nghiệp ở đấy, nơi mà người Tây Tạng đã từng một thời là sắc dân chiếm đa số.

Điều này không chỉ diễn ra trên vùng đất có tên "Khu vực Tự trị Tây Tạng", mà còn ở những tỉnh lân cận như Thanh Hải (Qinghai), Cam Túc (Gansu) và ở những vùng ven của tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), tất cả đều là nơi sinh sống hiện nay của gần 6 triệu người Tây Tạng. Cao điểm của chính sách này là việc xây dựng đường xe lửa đến Lhasa, được khánh thành cách nay ba năm. Điều thoạt tiên có vẻ như không có gì tệ hại này - bởi nhờ đó mà sự phồn vinh phát sinh từ những cải cách kinh tế cũng đến được với những vùng kém phát triển - rốt cuộc đã làm cho dân bản xứ trở thành những kẻ thiểu số ngay trên chính quê hương mình.


Đức Đạt Lai Lạt Ma thiếu một tầm nhìn xa về chính trị

Điều đáng tiếc là trong chiều ngược lại, Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã bỏ lỡ nhiều dịp để đáp trả lại những điều ấy bằng những hoạch định chính trị thích ứng. Cũng phải thừa nhận rằng, với tư cách là một chính trị gia lưu vong và đồng thời cũng là một nhà tu hành chỉ có thể dùng phương pháp đấu tranh bất bạo động, thì ông cũng không có nhiều khả năng để lựa chọn. Nhưng dù ông có nổi tiếng như một kiểu "Pop star của sự quán tưởng và trầm tư" chu du cùng khắp thế giới, thì trong thực tế ông đã không mấy thành công trong việc đề ra một viễn cảnh chính trị cho tương lai dân tộc mình.

Đúng là kể từ giữa những năm 80, ông đã thôi không còn đòi hỏi một quốc gia độc lập cho quê hương bị chiếm cứ của mình. Điều mà vị lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng mong muốn chỉ còn là một "quyền tự trị và độc lập văn hoá", như Mao Trạch Đông đã hứa hẹn với ông sau cuộc chiếm đóng năm 1951.

Nhưng cũng còn một sự thực khác, đấy là việc chính quyền lưu vong của ông vẫn còn mãi loay hoay với những ý niệm ám bụi lỗi thời, chẳng hạn như câu hỏi liệu nước Tây Tạng cũ trước khi bị Trung Quốc xâm chiếm đã từng là một quốc gia độc lập hay chỉ là một vùng đất nằm dưới sự thống trị của một Trung Quốc bá chủ. Điều khiến cho Trung Quốc thêm ngờ vực là Đức Đạt Lai Lạt Ma - mặc dù không dính dáng trực tiếp - nhưng hầu như vẫn được xem như là lãnh tụ của tổ chức có tên "Phong trào Vận động Tự do cho Tây Tạng" ("Free Tibet Campaign"), một phong trào đòi tự do và độc lập cho Tây Tạng.

Có thể chuyện đòi hỏi tự do cho Tây Tạng - như đã xảy ra với Kosovo và Đông Timor - là một điều đáng để ao ước. Nhưng vấn đề là tự do trong dạng vẻ nào? Như một Đông Timor nghèo đói và chìm đắm trong hỗn loạn, nơi mà ngay cả một người đã lãnh giải Nobel Hoà bình như Ramos Horta cũng chẳng còn thấy an toàn và được che chở? Hay là nên trở thành một kiểu "vườn bách thú-sắc tộc" Phật giáo, một địa điểm phục hồi sức khoẻ với bầu khí trong lành cho những người phương Tây và những ngôi sao Hollywood đã mỏi mệt với nền văn minh cơ giới? Đấy có thể là một ý tưởng tuyệt vời.

Tiếc rằng những thứ ấy chẳng ăn nhập gì với những chính sách dựa trên các khả năng và điều kiện thực tế. Trung Quốc sẽ chẳng bao giờ đồng ý trao trả độc lập cho Tây Tạng. Nước "Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa" cộng sản - bấy lâu nay đã bước vào quá trình xoá bỏ những ràng buộc ý thức hệ - không tán thành điều này. Và cường quốc mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa có tên gọi là "Nước nằm ở Trung tâm" - hiện đang toan tính thống trị cả tương lai châu Á - cũng không nốt. Và một nước Trung Hoa dân chủ - dần hình thành qua giao dịch kinh tế và thương mãi - trước sau vẫn chỉ là ảo tưởng của những kẻ mơ mộng ở phương Tây. Đối với Trung Quốc, Tây Tạng là "chuyện nội bộ" mà họ nhất định không cho phép ai xía mồm vào. Chính sách nhân quyền tồi tệ của siêu cường quốc Hoa Kỳ trong cuộc chiến đấu chống khủng bố hiện nay chỉ làm cho Bắc Kinh cảm thấy dễ dàng hơn trong việc tiếp tục duy trì đường lối cứng rắn của họ.

Vấn đề là: Trung Quốc phải hiểu rằng, trong một thế giới đã toàn cầu hoá thì chẳng còn có cái gọi là "những vấn đề nội bộ thuần tuý dân tộc". Người ta không thể muốn bay lên mặt trăng và đồng thời vẫn cứ khư khư bám vào những khái niệm về chủ quyền của thế kỷ thứ 19. Lhasa đã trở thành dải Gaza của Trung Quốc từ lâu rồi. Trên đường phố cũng như trong các chùa chiền, tiếng nói của những người ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma không còn là tiếng nói chủ đạo, mà chính là tinh thần của tổ chức "Nghị hội Thanh niên Tây Tạng" ("Tibetan Youth Congress").

Đấy là một nhóm người Tây Tạng lưu vong cực đoan, họ đã không còn đi theo đường hướng của Đức Đạt Lai Lạt Ma từ nhiều năm nay. Họ cho rằng con đường đấu tranh hoà bình của ông chẳng thể nào mang lại tự do cho quê hương, và dân Tây Tạng phải đi theo con đường của những phong trào giải phóng khác, như người Palestine và người Đông Timor.


Những kế hoạch đầy kịch tính cho Thế vận hội

Không phải Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khiến cho vai trò của những thanh niên đầy giận dữ này trở nên quan trọng, mà chính bởi Trung Quốc không chịu thực tâm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho Tây Tạng. Cũng giống như những đứa con của dải Gaza, lớp trẻ chống đối này thành hình là do chính sách đàn áp văn hoá và bị cô lập về mặt xã hội. Họ từ khước sự chỉ đạo của bất kỳ một kiểu "bề trên" nào. Và như thế, cái toan tính khởi thuỷ của những người cộng sản, là cứ đơn giản ngồi chờ cho đến lúc Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời thì vấn đề tự động sẽ được giải quyểt, đã bị những người theo xu hướng cực đoan này phá hỏng.

Và trên thực tế tiềm năng của lớp thanh niên cuồng nhiệt này còn rất lớn. Trong những tuần vừa qua, chính những cuộc tuần hành phản kháng từ Ấn Độ đi về hướng biên giới do họ tổ chức đã hâm nóng những cuộc biểu tình chống đối tại chính Tây Tạng. Nếu giới lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng họ có thể dùng những biện pháp đàn áp thô bạo của lực lượng an ninh để ngăn chặn những thất bại có thể xảy ra trên mặt tuyên truyền đại chúng cho Thế vận hội, thì điều ấy chỉ làm lộ rõ rằng óc tưởng tượng của họ quả là quá nghèo nàn. Bởi liệu các ông các bà trong Bộ Chính trị sẽ xử sự như thế nào, khi hình ảnh của một nhà sư Tây Tạng tự thiêu trên sân cỏ Olympic Bắc Kinh được quay phim và phát tán đi khắp thế giới? Đấy là một chi tiết trong kịch bản được dự tính bởi lớp trẻ Tây Tạng đang nổi loạn.

Chìa khoá để giải quyết vấn đề nằm trong tay chính quyền Bắc Kinh, và họ không được phép chậm trễ. Trong những tuần lễ tới, áp lực quốc tế về việc tẩy chay Thế vận hội sẽ gia tăng, có thể trở thành một tai hoạ cho thể diện của Trung Quốc. Và đấy không phải chỉ là một thảm hoạ cho ban Tổ chức Thế vận hội, mà còn là cho tất cả các phía tham dự

Nếu muốn "Olympia Beijing 2008" không mang dư vị của "Berlin 1936", thì chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phải tìm những giải pháp khác với những gì mà ông đã quen làm. Không phải là giải pháp sắt đá, mà phải là sự xuống thang hoà hoãn. Không phải là tiếp tục tuyên truyền ngu xuẩn, mà phải là đối thoại. Cái luận cứ rằng thể thao chẳng liên quan gì với chính trị hẳn là không còn dùng được.


Đức Đạt Lai Lạt Ma trên khán đài danh dự

Một bắt đầu tốt đẹp cho sự thay đổi này có thể là việc cho phép những quan sát viên quốc tế có mặt trong những phiên toà xử những kẻ bạo động ở Lhasa. Cũng như cần phải có những cuộc điều tra công khai, chẳng hạn việc trả lời câu hỏi là quân đội đã có nã đạn vào những thường dân phản kháng hay không, hay chỉ có việc người Trung Quốc định cư tại đấy bị giết bởi những kẻ đi biểu tình. Cả hai trường hợp, nếu có, đều phải bị đem ra xét xử.

Và nếu Trung Quốc thực sự là một cường quốc yêu chuộng hoà bình, thì thử hỏi có điều gì ngăn cản Bắc Kinh và chính quyền lưu vong Tây Tạng cùng bước vào một cuộc đối thoại thực sự để giải quyết các vấn đề của họ, trước khi Thế vận hội diễn ra. Không, một cuộc đối thoại, nếu có, không nên tổ chức ở Bắc Kinh, mà phải trên một phần đất trung lập. Nó cũng không nên diễn ra ở Washington hay Moskva. Jakarta hoặc Stockholm hẳn là những địa điểm thích hợp hơn. Hoặc cũng có thể là Genève, nơi đặt trụ sở của Uỷ ban Thế vận Quốc tế. Tất cả những điều này đòi hỏi sự thực tâm và sẵn sàng của một nước Trung Quốc đổi mới đã tháo bỏ mọi định kiến. Thật ra đấy cũng không phải là điều quá khó, bởi vì đấy chính là nước Trung Hoa mà những người tổ chức Thế vận hội 2008 ở Bắc Kinh muốn trình ra với thế giới. Với một điểm khác biệt, Đức Đạt Lai Lạt Ma được mời an vị trên khán đài danh dự. Nếu điều này xảy ra thì Trung Quốc sẽ nhận được sự kính trọng của toàn thế giới.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas